Đoàn Phật tử Quảng Ninh cúng dàng trường hạ Học viện PGVN tại Hà Nội, thăm quan và tìm hiểu một số di tích như chùa Non Nước, Đền Gióng, Đền Bà Chúa Kho



TLYT – Ngày 23/4 nhuận/ Canh Tý (tức ngày 14/6/2020), trong ngày Khai pháp khóa An cư Kết hạ PL. 2564 – DL. 2020 của trường hạ Học viện Phật giáo Việt Nam (PGVN) tại Hà Nội, đoàn Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh đã về tham dự Lễ khai pháp và cúng dường trường hạ. Tiếp đó, đoàn đi thăm và tìm hiểu một số di tích như Chùa Non Nước, Đền Gióng, tượng đài Thánh Gióng và Đền Bà Chúa Kho.

 

Học viện PGVN tại Hà Nội là cơ sở giáo dục đào tạo tăng tài cho Giáo hội PGVN, có truyền thống lâu đời và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Học viện hiện tại đào tạo các trình độ Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học. Khóa An cư kết hạ năm nay, trường hạ Học viện có gần 600 hành giả an cư.

 
Lễ khai pháp tại học viện 
 

Dịp khai pháp này, chư Tăng Ni, Phật tử ở các chùa và các đạo tràng đã kêu gọi tín đồ, Phật tử khắp nơi phát tâm cúng dường để Tăng Ni tại học viện yên tâm tu học. Trong đó, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử Ban Bảo trợ học đường khu vực Quảng Ninh đã kêu gọi cúng dường hơn 1,3 tỷ đồng. (Ban Bảo trợ học đường khu vực Quảng Ninh cúng dường hơn 1,3 tỷ đồng trong ngày khai pháp tại Học viện PGVN tại Hà Nội)

 
 
 

Ngoài tham dự lễ khai pháp và cúng dường trường hạ học viện, đoàn còn đi thăm và tìm hiểu về Chùa Non Nước, Đền Gióng, tượng đài Thánh Gióng và Đền Bà Chúa Kho.

Tại một số điểm di tích, quý vị Phật tử được quý thầy chia sẻ khái quát về lịch sử để phần nào hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của nơi mình đến thăm. Tại chùa Non Nước – nơi thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cách đây hàng ngàn năm đã từng trụ trì, chư tăng và đoàn Phật tử đã nhất tâm tụng thời kinh chú cầu nguyện quốc thái dân an.

 
 
Nhất tâm trì tụng kinh chú kì nguyện quốc thái dân an  
 
 

Nhân đây, BBT cũng xin giới thiệu khái quát về lịch sử một số điểm di tích để quí Phật tử được hiểu thêm:

Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc ở độ cao hơn 110 m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy nũi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Vị thiền sư đầu tiên trụ trì là thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011). Năm 971, được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. “Khuông Việt” nghĩa là phò giúp Nước Việt. Thiền sư Khuông Việt cùng với thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh là nhưng cây thạch trụ chốn thiền môn có công lao to lớn trong việc “phò vua giúp nước”, giúp triều đình lãnh đạo đất nước trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và củng cố nền độc lập thời Ngô, Đinh, Tiền Lê. Sau nhiều phen binh lửa cùng ảnh hưởng của vũ lộ phong sương, chùa nhiều lần đổ nát và được trùng tu lại. Trụ trì hiện tại là Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
 

Đền Gióng ngụ tại núi Sóc Sơn. Tục truyền núi Sóc Sơn là cái rốn tích tụ lại mọi linh khí của hệ thống núi Tam Đảo. Căn cứ vào tấm bia đá ghi sự tích ở đền thì sau khi đánh thắng giặc Ân, vua Hùng sai dựng đền thờ để ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng. Vua phong sắc ghi hiệu thần là Đổng Thiên Vương. Đến thế kỷ 10, có vị cao tăng là Ngô Chân Lưu được nhân dân cả nước biết tiếng, lại được vua Lê Đại Hành coi như tâm phúc. Thiền sư hành đạo ở chùa Khai Quốc, mỗi lần về quê thường sang làng Vệ Linh thăm bạn, ngoạn cảnh muốn dựng am thờ Phật trên núi Sóc. Theo ý thiền sư, dân làng đã tạc tượng thần, sửa sang lại ngôi đền chính là đền Thượng. Bên cạnh đền lại dựng chùa Đại Bi và am cho thiền sư trụ trì.

 
Qúy thầy chia sẻ cho quý Phật tử về lịch sử ngôi đền Gióng 
 

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng. Ngay sau đền thờ Bà Chúa vẫn còn một đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, đào xuyên qua lòng núi Kho để đi ra phía sông Cầu (sông Như Nguyệt), cửa hầm phía này rất khó bị phát hiện. Các bô lão nhiều đời đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng. Thời xa xưa, có lẽ cửa hầm cũng chính là bến cảng để tập kết và điều chuyển binh lực, vật lực đi các nơi. Đây cũng là cứ điểm quân sự lợi hại bởi tính bất ngờ, đặc biệt dễ thủ khó công. Trong những năm chiến tranh chống Mĩ, đây là nơi đóng quân của tiểu đoàn cầu phà quân đội ta nên có thể suy ra rằng thời xưa có thể là nơi tập kết của thuỷ binh nhà Lý.

 

Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cô Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

  

Đền Cô Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt. Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Ban truyền thông


Tin cùng chuyên mục