Chùa Đống Phúc an vị tượng Phật và đón nhận bằng Cây di sản Việt Nam: cây thị 900 tuổi và cây gạo 400 tuổi



TLYT Sáng nay, ngày 6/10/Kỉ Hợi (2/11/2019), chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên long trọng tổ chức lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân và đón nhận bằng chứng nhận Cây di sản Việt Nam: đó là cây Thị khoảng 900 năm tuổi và cây Gạo hơn 400 năm tuổi.

 

Về chứng minh và tham dự buổi lễ, về phía GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có TT. Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; TT. Thích Thanh Lịch – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng BTS GHPGVN thị xã Quảng Yên, Trụ trì chùa Đống Phúc; Đ.Đ Thích Khai Từ - Ủy viên thường trực kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đ.Đ Thích Quảng Hiển - Ủy viên kiêm Phó chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng Chư Tôn đức Tăng Ni đang trụ trì các chùa trong và ngoài thị xã Quảng Yên. 

Về phía các cơ quan ban, ngành có GS. TS Khoa học Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học Asean, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Hội BVTN&MTVN); Nhà báo Phùng Quang Chính – Phó Trưởng ban Truyền thông môi trường, Hội BVTN&MTVN; Ông Hoàng Đức Hạnh và ông Lê Mạnh Cường – đồng Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo đại diện một số các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng; các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhân dân, Phật tử quanh khu vực đồng về tham dự.

 
 

Chùa Đống Phúc ra đời gắn liền với sự hình thành, phát triển của phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Sự ra đời đó đánh dấu một bước ngoặt mới về đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân phường Yên Giang, phản ánh nguyện vọng của nhân dân luôn hướng về Phật và các đấng linh thiêng mong cầu những điều bình an, tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Ngôi chùa hiện tại có vị trí quan trọng trong công việc xây dựng đổi mới quê hương thị xã Quảng Yên, vì vậy việc trao bằng và gắn biển Cây di sản Việt Nam ở cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa là cơ sở tiền đề để đưa các giá trị lên một tầm cao mới.

Mở đầu buổi lễ, TT. Thích Thanh Lịch đã khái quát lịch sử chùa Đống Phúc và hai cây (cây thị và cây gạo) sẽ được gắn biển di sản hôm nay. Theo đó, chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, bên ngã ba sông Bạch Đằng, thuộc làng An Hưng cổ, nay là phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được dựng vào cuối thế kỷ thứ XI, dưới thời nhà Lý. Đây từng là nơi truyền bá Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời cũng là một di tích ghi dấu bề dày lịch sử, gắn liền với truyền thống đánh giặc cứu nước hào hùng của dân tộc. Năm xưa, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đã đến chùa lễ Phật cầu nguyện trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 và cũng là nơi lập trai đàn cầu siêu cho các chiến sĩ vong trận sau đó.

 
TT. Thích Thanh Lịch – Phó trưởng BTS  GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Trưởng BTS GHPGVN thị xã Quảng Yên, Trụ trì chùa Đống Phúc khái quát lịch sử ngôi chùa và hai cây cổ

Trải qua thăng trầm thời gian, chùa nhiều lần được tu sửa nhưng vẻ yên bình, trang nghiêm và những giá trị của nền cốt chùa cũ, kiến trúc và nhiều tượng Phật, bia đá cổ vẫn được lưu giữ, trong đó có hai cây: cây thị và cây gạo cổ gắn liền với lịch sử chùa Đống Phúc. Cây thị đã tồn tại gần 900 năm, cao 16-18m, chu vi thân là 5,1m nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa, hình dáng đặc sắc, bề thế. Cây thị thường được lựa chọn để trồng trong các ngôi chùa bởi đây là loại cây có tuổi thọ cao, gỗ tốt, có thể chống chọi với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Qủa thị đẹp, hương thơm. Theo tiếng Hán, cây thị còn có nghĩa là cầu cho mọi sự được như ý; Cây gạo trên 400 tuổi, cao 13m, chu vi thân là 5,9m, nằm sau nhà Tổ. Theo tư duy của dân gian, “gạo” có nghĩa là no đủ, bông gạo dùng để may gối, chăn tượng trưng cho sự êm ấm. Cây gạo là cây của vũ trụ, là thiên sứ mang thông điệp của trời, báo điềm lành cho đất nước. Hàng năm vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, cây gạo ra hoa đỏ rực một góc sân chùa. Trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên và những biến cố lịch sử, những cây cổ thụ này vẫn sừng sững, uy nghi trước phong ba bão táp, ngày ngày tỏa bóng mát che chở cho các chư tăng, Phật tử, vẫn cho ra những hoa thắm, trái chín mặc cho những lớp rêu phong in hằn dấu vết thời gian trên mình.

Tại buổi lễ, ông Phùng Quang Chính đại diện Hội BVTN & MTVN đã đọc quyết định về việc công nhận cây di sản Việt Nam và GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội trao bằng công nhận cho chùa Đống Phúc.

 
Chùa Đống Phúc đón nhận bằng cây di sản

Đại diện BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS Phật giáo tỉnh đã tán thán công đức của thầy trụ trì cùng toàn thể nhân dân Phật tử đã kêu gọi, đóng góp tôn tạo nên pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển pháp luân an trí trong giảng đường chùa Đống Phúc, làm nơi cho thập phương lễ bái, cầu nguyện, cũng là nơi diễn ra các hoạt động Phật sự của chùa, góp phần cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Đồng thời cảm ơn Hội BVTN & MTVN đã vinh danh cây thị và cây gạo tại chùa Đống Phúc là cây di sản Việt Nam. Việc làm này rất có ý nghĩa vì góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống xanh tươi trong đó cây xanh là một thành phần quan trọng. Đồng thời, cũng vinh danh chùa Đống Phúc là ngôi cổ tự có từ lâu đời, thiêng liêng, mà di tích của Phật giáo đi liền với tính thiêng liêng. Trong Tâm thức của người phương Đông, đặc biệt là người Việt có triết lý “cây thiêng” gắn liền với “tính thiêng” ở trong các di tích. Trong ngôi chùa Việt Nam hay có cây đề, đa, cây gạo, cây thị… được coi là những cây thiêng, không chỉ vì sống lâu mà gần gũi, gắn bó với sống tình cảm của người dân Việt.

 TT. Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chia sẻ

Trước khi chính thức gắn biển cây di sản, Chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng đã nhất tâm niêm hương bạch Phật, trì tụng kinh chú an vị tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển pháp luân, cầu nguyện Phật pháp xương minh, nhân sinh an lạc.

Một số hình ảnh ghi nhận:

 
Văn nghệ chào mừng 
 
 
  
 
  

Buổi lễ đón nhận nhiều lẵng hoa tươi thắm từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể

 
 
  
  
 
 
 
 
Cây gạo cổ 400 năm tuổi
Gốc cây Gạo
 
 
Cây thị 900 năm tuổi 
 
Cây thị xanh mát nơi vườn chùa và còn cho quả ngọt thơm
 
 
 

Tin & ảnh: Mai Anh – Xuân Trường


Tin cùng chuyên mục