Chùa Trúc Lâm Cô Tô khởi công xây dựng Trúc Lâm bảo tháp – chào mừng quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới


TLYT – Sáng ngày 13/07/2025 (nhằm ngày 19/06/Ất Tỵ), nhân ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm, trong không khí đại hoan hỉ khi quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, chùa Trúc Lâm Cô Tô long trọng tổ chức Đại lễ khởi công động thổ xây dựng Trúc Lâm bảo tháp, công trình đầu tiên chào mừng sự kiện ý nghĩa này.

Nhân dịp này, chùa cũng tổ chức khóa tu Lắng nghe Pháp âm từ biển cả lần thứ IV – nhằm tạo môi trường tu tập lành mạnh, giúp các thiền sinh hướng thiện, lan tỏa lý từ bi – trí tuệ của nhà Phật, đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo.

Chứng minh và tham dự buổi lễ, có Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng trị sự TƯ GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Thanh Lịch – Phó trưởng Ban trị sự, Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đại đức Thích Khai Từ - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Thông tin truyền thông Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô.

  
 

Về phía các đại biểu khách quý, có ông Nghiêm Xuân Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Lục Thành Chung – Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh; bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh; Thượng tá Bùi Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Danh Hà – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Đặc khu Cô Tô.

 
 Cùng sự tham dự của các đại biểu thuộc các sở, ban ngành hữu quan của tỉnh Quảng Ninh; thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của Đặc khu Cô Tô; đại diện các lực lượng vũ trang trên đảo, các tôn giáo bạn; chư tôn thiền đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh; và đông đảo quý tín đồ, Phật tử gần xa.

Tại buổi lễ, Đại đức Thích Khai Từ - trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô đã trình bày báo cáo dự án xây dựng Trúc Lâm bảo tháp. Theo báo cáo, Trúc Lâm bảo tháp có tổng mức đầu tư khoảng 44 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, với chiều cao 42.2m, gồm 15 tầng, xây dựng bằng bê tông cốt thép. Cấu tạo móng cọc nhồi, đế móng đổ Bê tông cốt thép dày 1,5m. thân tháp đổ Bê tông cốt thép toàn khối, bảo đảm độ bền vững trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vùng biển đảo. Sơn hiệu ứng công nghệ cao, sơn hoàn thiện màu vàng đất – gam màu truyền thống mang biểu tượng Phật giáo.

 
Đại đức Thích Khai Từ báo cáo dự án xây dựng Trúc Lâm bảo tháp 

Tầng thứ nhất của Bảo Tháp sẽ là nơi tôn thờ bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và các tầng chính cũng bố trí không gian thờ tự; vách tường sẽ được bố trí các mảng phù điêu với hoa văn mang ý nghĩa phù hợp với nội dung thờ.

Ba cấp sân hành lễ được thiết kế cao dần về phía bảo tháp, đảm bảo tính mỹ quan tổng thể công trình, phục vụ các đại lễ lớn và nhu cầu tham quan của du khách, tín đồ, tận dụng không gian phía dưới của các cấp bậc sân để xây dựng khu giảng đường, tăng xá, thiền đường…

Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển động viên, sách tấn Đại đức Trụ trì cùng các Phật tử chùa Trúc Lâm Cô Tô, vì đây là công trình lớn và có ý nghĩa, do đó cần dành rất nhiều thời gian và tâm sức, cần sự đồng lòng, chung sức của rất nhiều người. Thượng tọa yêu cầu việc xây dựng phải đúng theo thiết kế đã được phê duyệt, giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân công. Thượng tọa mong rằng các cấp, các ngành liên quan sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhà chùa, và kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn thể quý tín đồ, Phật tử gần xa để công trình đại phúc đức này sớm được hoàn thiện. 

 
Thượng tọa Thích Đạo Hiển ban đạo từ tại buổi lễ 

Thượng tọa nhấn mạnh, Trúc Lâm bảo tháp là công trình đầu tiên của Phật giáo Quảng Ninh chào mừng sự kiện vô cùng có ý nghĩa - đó là quần thể Di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 12/7. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho một vùng đất linh thiêng, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc biệt của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt.

 
Hình ảnh thiết kế công trình Trúc Lâm bảo tháp 
 
Chư tôn đức cùng quý đại biểu nhất tâm lên khóa lễ niêm hương bạch Phật, chú nguyện, gia trì cho công trình sớm được thành tựu 
 
Chư tôn đức cùng quý đại biểu thực hiện nghi thức động thổ 
 

Chùa Trúc Lâm Cô Tô là cột mốc văn hóa – tâm linh quan trọng nơi hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 2015, qua 9 năm xây dựng và phát triển, chùa đã hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng như Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông, lầu khánh, nhà khách, tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Những năm qua, chùa đã trở thành mái nhà tâm linh cho tín đồ Phật tử, các cán bộ chiến sĩ, cùng những ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ đảo.

Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu để tạo cơ hội cho nhân dân, Phật tử biển đảo được học tập, tìm hiểu và thực hành Phật pháp, cũng như là cơ hội để tín đồ, Phật tử, nhân dân từ các tỉnh thành hướng về đảo không chỉ thực hành giáo lý nhà Phật mà còn tìm hiểu, trải nghiệm Cô Tô xanh tươi, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo, ý thức bảo vệ môi trường…

Công trình Trúc Lâm bảo tháp được xây dựng, không chỉ là công trình chào mừng quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp bạc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, mà còn là công trình tôn vinh giá trị của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm; vừa là minh chứng, là biểu tượng trường tồn cho niềm tin hướng Phật nơi hải đảo xa xôi; là cột mốc văn hóa – tâm linh khẳng định chủ quyền biển đảo; là nơi kết duyên công đức, giéo trồng cội phước cho tín đồ, Phật tử khắp nơi.

Một số hình ảnh ghi nhận khác:
 
Các cơ quan tặng hoa chúc mừng 
 
 
 
  
 
  
 
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

M. Anh

Ảnh: BTC

 


Tin cùng chuyên mục