Công văn của BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về vấn đề quản lý tiền công đức, giọt dầu


TLYT - Ngày 20/10/2018, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có Công văn số 119/CV - BTS về việc đề nghị thu hồi văn bản số 489/UBND - VX1, ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh và các văn bản không đúng quy định của pháp luật khác, cụ thể liên quan đến việc quản lý tiền công đức, giọt dầu tại các cơ sở tôn giáo.
 

Năm 2017, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nhận được văn bản số: 489/UB - VX1, ngày 23 tháng 1 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh “về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”. Nhận thấy nội dung công văn này không phù hợp với quy định của pháp luật nên trong buổi làm việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các ban, ngành liên quan với Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV, Ông Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã hứa sẽ chỉ đạo điều chỉnh văn bản này cho phù hợp. Tuy nhiên từ đó đến nay tình hình vẫn không thay đổi, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều quy định khác nhau không phù hợp với Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật khác gây bức xúc và mất ổn định trong Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Quảng Ninh đã nhận được rất nhiều văn bản kiến nghị của Ban Trị sự GHPGVN các huyện, thị xã, thành phố và các tập thể, cá nhân trong tỉnh phản ứng gay gắt về vấn đề này. Tựu chung các ý kiến như sau:

1. Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy tiền công đức, tiền giọt dầu tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội và của các cơ sở thờ tự Phật giáo bất khả xâm phạm, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền niêm phong hoặc xâm phạm, điều này cũng phù hợp với các quy định về tài sản, tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đọat tài sản quy định trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015 và đúng với khoản 6 điều 7 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Điều 60, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nói về “nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” không có điều khoản nào quy định về quản lý nhà nước về tiền công đức, tiền giọt dầu của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Luật ngân sách nhà nước quy định ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật. Không có một văn bản hay một điều khoản nào quy định tiền công đức, tiền giọt dầu của các cơ sở tôn giáo là thuộc quyền quản lý của nhà nước.

4. Theo điều 56, 60 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở, tổ chức tôn giáo phải đúng mục đích. Như vậy tiền công đức, tiền giọt dầu và các tài sản khác của cơ sở, tổ chức tôn giáo được quản lý theo đúng Hiến chương, quy định của tổ chức tôn giáo đó (Hiến chương của GHPG Việt Nam đã được nhà nước phê chuẩn).

5. Văn bản số: 489/UB - VX1, ngày 23 tháng 1 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh là văn bản hành chính thông thường nhưng lại chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật không phù hợp với các điều khoản được quy định tại các luật đã được Quốc hội và Nghị định đã được Chính phủ ban hành.

6. Các chùa thờ Phật là các cơ sở Phật giáo nếu có giá trị được nhà nước xếp hạng di tích thì các hoạt động Phật giáo tại các chùa đó vẫn diễn ra bình thường. Việc xếp hạng di tích không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa di tích.

7. Việc áp dụng văn bản số: 489/UB - VX1, ngày 23 tháng 1 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các văn bản của các địa phương chỉ áp dụng đối với chùa thờ Phật của Phật giáo mà không thấy áp dụng đối với nhà thờ của Công giáo là không bảo đảm chính sách mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Trong các đơn từ của các tập thể, cá nhân và phản ứng của một vài nơi tới Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có nhiều phản ứng tiêu cực có thể tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.

Xuất phát từ những nội dung trên, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xem xét thu hồi các văn bản sau:

- Văn bản số: 489/UB - VX1, ngày 23 tháng 1 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh“về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.

- Văn bản số: 1074/UBND ngày 21 tháng 2 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, văn bản số: 306/UBND - VHTT, ngày 09 tháng 2 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái và các văn bản của các địa phương khác trong tỉnh quy định về việc nhà nước quản lý tiền công đức nếu có.

Trên đây là những ý kiến chân thành và xây dựng của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh. Kính đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các ban, ngành, các địa phương lưu tâm giải quyết.
 
Xin trân trọng cảm ơn! 
  

Tin cùng chuyên mục