Đạo Phật minh triết vi diệu, nhưng cũng gần gũi thực tiễn và ứng dụng đem lại lợi ích


TLYT - Ra đời trên 25 thế kỷ, qua khảo nghiệm của thời gian, các nhà khoa học nói chung và các học giả nghiên cứu Phật giáo đều cho rằng, chân lý của đạo Phật là chân lý vi diệu tuyệt đối, bởi nó thích ứng hay nói theo khoa học một chút là nó tương thích với mọi hoàn cảnh, và mọi thời đại. Và như thế, người ta nói, đạo Phật là Minh triết.

 

Đương nhiên chân lý tồn tại được trước sự khảo nghiệm của thời gian là một điều rất khó khăn; và điều này, đạo Phật đã khẳng định chân lý của mình (kể cả lý đạo và lý thế). Đó là Giáo lý trung đạo, ở đó không còn có đối đãi sai biệt.

Với sở học bất toàn, người viết chỉ xin đề cập một khía cạnh nhỏ đó là: đạo Phật minh triết vi diệu, nhưng cũng dung dị (giản dị) thực tiễn, dễ hiểu, dễ thấy và nếu thành tâm ứng dụng thì sẽ đem lại lợi ích rất thiết thực.

Theo HT Thích Thanh Từ, vấn đề nhân quả luân hồi trong giáo lý đạo Phật là một chân lý thực tiễn rõ ràng, nhưng “Người thế gian không hiểu nên thường oán trách cha mẹ không có phước nên sinh ra mình khổ, hoặc cha mẹ không có tài nên mình thua kém người ta, mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo, nên mới sinh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc ở bản thân chúng ta.” Như vậy, “thuyết luân hồi nói lên lẽ thật của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chứ không phải do Ngài tự tưởng tượng, nhưng vì chúng sinh nhìn nông cạn quá nên không tin được”. Nói đến đây, Hòa thượng nói tiếp để sách tấn (khuyến khích) người tu: “khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những việc ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn (cố gắng) làm những điều lành, điều thiện. Nếu không làm cho ai, thì ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm giới phải đọa lạc (tức chết trong cảnh xấu ác đọa tam đồ). Đó là tu”.

Như chúng ta đều biết, đức Phật có nhiều danh hiệu để xưng tụng. Là Phật tử chúng ta phải biết về Danh xưng đặc trưng khác nhau của đức Phật để “câu thông” phát khởi tâm rung động chí thành khi nghe danh hiệu Ngài và trưởng dưỡng niềm tin sâu sắc vào bậc Thầy gốc của tất cả chúng sinh ở cõi thế này. Danh hiệu Thiện Thệ và Thế gian Giải là hai trong 10 danh hiệu của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Hai danh hiệu này chúng ta nói sau, còn bây giờ chúng ta nói đến việc tu mà thầy Từ đề cập. Đó là người tu ban đầu, trước hết phải hiểu “Tu là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành”. Nói đến nghiệp có vẻ trừu tượng, nhưng nó rất gần gũi và thực tiễn ngay trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta mà thôi.

I – “Tu là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành”

Nói đến tu Ba nghiệp này, trong bài viết pháp tu căn bản của người Phật tử, Hòa thượng Thanh Từ đã đề cập khá sâu sắc về nội dung này. Ở đây xin được nhắc lại lời nhận định dưới đây của Hòa thượng để chúng ta cùng suy ngẫm: “Đa số người xưng là Phật tử mà không biết rõ đường lối tu hành, ai bầy sao làm vậy, trở thành mê tín sai lầm, khiến người đời phê bình đạo Phật là huyễn hoặc, là vô ích”.

“Để bổ cứu những sai lầm ấy, chúng ta phải biết rõ đâu là pháp tu căn bản phải thực hành, đâu là lối tu siêu thoát phải đến. Ứng dụng Phật pháp ngay trong đời sống thực tế của chúng ta, để minh chứng rõ ràng đạo Phật cứu khổ thật sự, đạo Phật mang lại hạnh phúc cụ thể cho con người, chứ không phải viển vông như người ta lầm tưởng.”

“Đức Phật thấy rất rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho chúng ta đường lối tu, chứ không phải áp đặt chúng ta”. Với lòng bi mẫn của Phật, Bồ tát chúng ta chỉ sợ mình không đủ lòng tin, đức tin nơi các Ngài, chứ các Ngài không hề nói “gạt” ta. Với danh xưng Thiện Thệ và Thế gian Giải, đây là hai trong 10 danh xưng của đức Bổn Sư Thích Ca Văn, chúng ta phải hiểu được lẽ vi diệu sâu mầu của danh xưng này để ứng dụng ngay trong đời sống với pháp tu “chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành” theo giáo lý của đức Phật và Tổ thầy dạy.

Vậy, danh xưng Thiện Thệ và Thế gian Giải là sao? Ta phải hiểu và có lòng tin, đức tin thì mới “câu thông” được với năng lượng của các Ngài. Theo Hán ngữ “Thiện” là khéo, “Thệ” là đi trong ba cõi, nên Thiện Thệ là một bậc khéo đi trong ba cõi. Chúng sinh theo nghiệp lực, bị đẩy vào cõi nào là bị trói buộc trong cõi đó. Đức Phật ra đời hay nói khác là thị hiện Đản sinh trong cuộc đời khổ não ác trược này, nhưng Ngài không hề bị trói buộc mà hoàn toàn tự tại đi lại trong ba cõi. Vì thế, chúng ta tán thán Ngài là Thiện Thệ, tức là một bậc đi trong ba cõi nhưng không bị ràng buộc mà cứu vớt dạy bảo chúng ta trên con đường giác ngộ nhân quả-luân hồi-giải thoát.

Còn Thế gian Giải: có nghĩa là bậc hiểu biết trọn vẹn về các cõi giới thế gian (gồm cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Riêng cõi Dục giới chúng ta đang sống đây gồm có các loài: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, và trời dục giới. Đức Phật hiểu biết trọn vẹn ngọn ngành của nhân quả, thấu suốt ba cõi cho nên gọi Ngài là bậc Thế gian Giải.

Muốn hiểu rằng, để có thể tái sinh trong cõi Người, chúng ta phải tin Phật giữ gìn 5 giới (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hay nghiện những chất kích thích). Ngài thấy sát sinh hại vật, nóng giận, thù địch sẽ bị đọa lạc xuống địa ngục; keo kiệt, ki bo, chấp thủ là nhân của ngã quỷ; vô minh, sống bản năng, ham ăn, ham ngủ, sống không cần biết đến ai sẽ bị đọa lạc súc sinh; làm các việc thiện lành bằng tâm hoan hỷ sẽ tái sinh cõi trời. Vì thấu suốt ngọn ngành nhân quả của mỗi cõi cũng như nghiệp của mỗi chúng sinh, nên đức Phật được tôn xưng là bậc Thế gian Giải.

Hiểu như thế, theo các thầy tổ dạy là để chúng ta trưởng dưỡng niềm tin, đức tin vào bậc Thầy gốc của tất cả chúng sinh ở cõi Ta bà (thế giới) này mà được nương vào sự (phân thân, ứng thân hay hóa thân) của đức Phật qua chiêu cảm để tu hành giác ngộ - giải thoát, đâu phải là sự xa vời viển vông. Đó là sức mạnh bất khả luận của tâm linh Phật giáo.

Vậy, “ bước đầu (pháp tu căn bản) trên đường tu hành của người Phật tử mà các tổ thầy nói tới là chúng ta phải “chuyển được ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành”. Ba nghiệp này là Thân, Khẩu, Ý của chúng ta (đâu phải xa lạ). Ví dụ, khi xưa chúng ta chưa tu, thường bung lung (phóng dật) thân, miệng, ý nghĩ mà làm những việc xấu xa, ác độc. Đã tạo những việc xấu xa, ác độc ấy là làm đau khổ cho mình, cho người, cho gia đình và xã hội…

Đề cập về điều này, trong kinh  đức Phật dạy: “Có những người sinh ra đời vừa làm khổ mình và làm khổ người; có người sinh ra không làm khổ mình, nhưng làm khổ người; và có người sinh ra vừa không làm khổ mình và cũng không  làm khổ người”.

“Một thực tế, những kẻ cướp của giết người sớm muộn gì cũng phải ngồi tù, cha mẹ vợ con ở nhà đau khổ, thân quyến bạn bè của nạn nhân cũng khổ đau, chính quyền cũng phải gia tăng các biện pháp truy nã. Chỉ một việc làm cuồng dại độc ác của một vài người, khiến guồng máy xã hội bị rối bời. Hành động ấy gọi là tạo nghiệp ác. Ngày nay biết tu, chúng ta chuyển (thân, miệng, ý) làm việc tốt đẹp thanh cao hiền thiện; đơn cử như chúng ta gặp người tai nạn xe cộ, họ không có thân nhân ở đó ta giúp đỡ họ vào viện…hay làm các việc thiện lành khác, đây là ta tạo nghiệp lành. (vậy nghiệp xấu ác hay nghiệp thiện lành chúng ta đều thấy qua việc làm, hành động thật dễ hiểu, bởi sự qua lại tương tác của chúng. (hạnh phúc hay bất hạnh thật rõ ràng).

“Làm được việc lành bản thân chúng ta thấy vui, người bị tai nạn mà chúng ta giúp đỡ để họ bớt đau khổ, người chung quanh nhìn thấy tán thành; hành động này là việc làm cụ thể tốt đẹp. Hành động xấu mà cứ lặp đi lặp lại mãi là nghiệp ác (vì đã thành thói quen khó sửa đổi). Ví dụ như uống rượu, nghiện chất kích thích, sử dụng một vài lần không thành (nghiện), nhưng ngày này uống, ngày mai uống sẽ thành nghiện. Cái nghiện là thói quen ngỡ tưởng đơn giản tầm thường (diễn ra hàng ngày ở huyện) nhưng nó sai khiến tạo tác chúng ta nên gọi là nghiệp. Trong giáo lý đạo Phật nói tới thói quen xấu ác, hay thiện lành đều gọi là nghiệp. Nghiệp ác đưa đến đau khổ; nghiệp lành đưa đến an lac.

“Vì thế, người Phật tử phải tránh thói quen đau khổ, phải tạo thói quen an lạc, đó là tu chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành. Kẻ ngu muội mới tìm hạnh phúc trên đau khổ của người khác, người sáng suốt chỉ thấy hạnh phúc khi giúp người khác hết khổ đau.

Vậy việc xấu ác, thiện lành trong giáo lý Phật là một thực tế đâu phải xa lạ viển vông. Đạo Phật đâu có viển vông (ly đời) mà đạo Phật đưa con người thẳng đến bình an hạnh phúc nếu ta chuyển được ba nghiệp xấu thành ba nghiệp lành như đã nêu trên

Theo giáo lý đạo Phật, xét về bản chất con người vốn dĩ sợ hãi và yếu đuối, Vì lý do này, đức Phật chỉ cho con người có cái quyền được sống vui tươi và hạnh phúc tốt đẹp (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Nhưng chúng ta ngã mạn, hoài nghi rồi lầm tưởng ta  “cang cường” nhưng thực tế con người là yếu đuối sống trong vọng tưởng và sợ hãi…

Phật dạy ta sống tốt, sống đẹp ở kiếp này, và cũng dạy ta lo cho mục đích dài hạn ở đời sống kiếp sau. Có nghĩa là, hiện tại ta sống đây (với người có tu) sẽ thụ hưởng được niềm vui hạnh phúc. Đến khi hết duyên sống ở thế giới này, Phật cũng chỉ đường giúp mình về cảnh giới an lành không bị đọa lạc tam đồ khổ, nhưng chúng ta từ chối…Thật là không ai chết đến hai lần để “tập” chết, để mà biết kiếp nhân sinh ở kiếp sau; Phật có huệ nhãn (chánh biến tri) chúng sinh không có; Phật, Bồ tát chỉ là người dẫn đường… đi hay không còn tùy thuộc vào sự khéo tu, khéo bước của chúng ta trên lộ trình tu hành giác ngộ. (Phật, Bồ tát thương chúng ta cũng chỉ làm đến vậy) nên Sơ tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông mới có câu thơ trong “Cư trần lạc đạo phú”. Qua câu thơ, ý Tổ nhắc mình và cũng nhắc luôn cả chúng ta như thế này: “Muôn việc nước chảy theo nước/ trăm năm lòng tự hỏi lòng?”.

II - Tâm thành sám hối sẽ chuyển nghiệp, tiêu nghiệp

A/ “Giảng giảng nguyên nhân bệnh tật” và sám hối chữa bệnh!

Thưc tế, theo giáo lý đạo Phật, người có tội hoặc mắc lỗi lầm xấu ác mà thành tâm sám hối sẽ chuyển nghiệp, tiêu nghiệp. Nhưng với quan điểm duy lý khoa học thì điều nói trên khá mơ hồ.

Vậy sám hối thế nào mà tiêu nghiệp?

Trước khi nói tới sự diệu hữu của sám hối trong đạo Phật, ở đây xin nêu một trường hợp cụ thể về phương pháp: “Giảng giải nguyên nhân bệnh tật” phối hợp sám hối chữa bệnh bằng tâm pháp nhà Phật và y học phương Đông  (không dùng thuốc) nhưng khỏi bệnh. Đó là trường hợp Giảng bệnh, chữa bệnh của ông Lưu Hữu Sinh (còn gọi là Lưu Thiện Nhân) người tỉnh Hắc Long Giang (TQ). Khi còn nhỏ năm ông 25 tuổi, khắp thân đều là bệnh, bệnh nặng tới sắp chết, nhưng ông Lưu Hữu Sinh đã may mắn gặp được một cơ duyên. Một lão nhân đã cho ông  một quyển sách của Tiên sinh Vương Phụng Nghi, người đông Bắc Trung quốc. Và từ (quyển sách dạy sám hối này) ông Lưu Thiện Nhân thừa kế tư tưởng “chữa bệnh bằng phương pháp duy thức lý tính” và ông Nhân, không những chữa khỏi bệnh nan y cho mình mà còn giảng giải nguyên nhân bệnh tật và chữa bệnh cho nhiều người khác hơn 20 năm qua. Với trái tim và tâm nguyện vì tha nhân ông đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp (hỏi bệnh - sám hối). Và nay ông được rất nhiều cơ quan thuộc Đại học Bắc Kinh mời đến giảng bệnh. Theo ông, “Nguyên lý bệnh là do nghiệp chướng gây ra, hiện nay ông coi đây là cơ sở lý luận và là chỉ nam chủ yếu để áp dụng phương pháp chữa bệnh theo ‘kiểu’ của nhà Phật, đó là tâm pháp hay còn gọi là bệnh tâm.

“Sở trường của ông chính là khả năng nói ngắn gọn về nguồn gốc bệnh tật của người khác, ông xem bệnh (không dùng thuốc) nghĩa là “giảng bệnh” thông qua việc nói chính xác về hành vi và tâm lý sai lầm trước đây của người bệnh, làm chấn động tâm thức của đối tượng, từ đó mà làm cho tâm lý của người bệnh thay đổi, làm người bệnh chuyển đổi hoàn toàn ý niệm, tu thân dưỡng tánh và sau một thời gian thì bệnh tự khỏi.

Dưới đây xin tóm lược vài nét về Lưu Thiện Nhân trong chương trình giảng bệnh tại Đại học Bắc Kinh mới đây của ông, để đạo hữu chúng ta cùng bạn đọc hiểu thêm một phương pháp chữa bệnh ‘đặc biệt’này.

Kể về phương pháp chữa bệnh của mình, ông Lưu Thiện nhân tâm sự như tự bạch: “Khi tôi còn nhỏ, chưa được biết Vương Phụng Nghi tiên sinh. Lúc đó tính cách tôi rất xấu, thường nóng giận, tôi là con ngựa bất kham, không tính xấu ác nào là tôi không có. Thầy giáo tôi cũng không sợ…Vì bẩm sinh bản tính như vậy, lâu ngày trở thành thói quen (tập khí) thích gây tạo nghiệp…Trước đây còn nhỏ tôi đâu biết rằng tức giận sẽ bị bệnh, sau này tôi mới biết, tôi bệnh là do tính xấu ác của mình…?!  Xin thưa quý vị, nóng giận, nhà Phật gọi là (sân) bốc hỏa lên và là nguồn gốc ‘thức ăn, nước ống’ của bệnh tật, và cho đến một ngày tôi bị ốm, sốt cao, sốt cao mãi không khỏi và biến chứng thành lao phổi, viêm gan, viêm thận, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh gì tôi cũng có…cho đến khi ho ra máu… Ở trong tình trạng bệnh như vậy liên tiếp 12 năm từ (13 đến 25) tuổi. Lúc này chỉ nghĩ đến cái chết! Trong khi tuyệt vọng đó, thì tôi gặp được cuốn sách có tên “Vương Phụng Nghi Ngôn Hành Lục”.

Khi xem xong quyển sách, trong lòng thật sự cảm động- thán phục Vương Phụng Nghi tiên sinh và từ đó, tôi phát nguyện phải thay đổi mình - rồi âm thầm hạ quyết tâm, cứ đi một bước, là tôi nghĩ đến chuyện xấu ác của mình đã tạo và sám hối. Theo cuốn sách, thì đây là dùng lời nói “gọi là ý niệm xuất chân thật”, dùng ngôn ngữ của Nhà Phật, mà ta gọi là Vô ngã vị tha mà sám hối.

Sau đó tôi thường tự mình sám hối và nghĩ tới ngày xưa đánh nhau với người này người kia, kiểm tra suy nghĩ lại rồi tự bạch, tự sám: “Ồ! Không nên tức giận đánh nhau với người ta”…nghĩ lại tất cả những chuyện xấu ác mình đã tạo và thời gian suy xét sám hối chân thật càng ngày càng nhiều lên, lúc đó tôi bắt đầu nôn ra, nôn thốc nôn tháo ra ngoài.

Theo sách của Phụng Nghi dạy, thì “phải nôn hết bệnh ra ngoài, và tôi thấy nôn được ra như vậy, nhất định sẽ tốt hơn, thế là tôi vui mừng, trong lòng thơi thới! Đúng thật, sau khi nôn thốc, nôn tháo ra như thế một thời gian ngắn thì tôi khỏi bệnh”.

“Đúng thật, trong lòng vui vẻ thì trên thiên đường có chỗ cho mình, ngược lại nếu buồn phiền thì xuống địa ngục. Điều này chẳng có sai chút nào; một người đầy bệnh tật, đó không phải là giống địa ngục sao? Một người khỏe mạnh, sức khỏe dồi dào, đó không phải là thiên đường ư?”

Luận giảng về bệnh, dựa theo giáo Nhà Phật, Lưu Thiện Nhân cho rằng, tâm của con người chiếm giữ vai trò rất quan trọng (từ tâm sinh ra tất cả mọi sự): “Tâm là gì ư? Là trung tâm, Trung tâm của tam giới, tam giới là tính cách của tâm và thân. Tâm là trung tâm của tam giới, cái trung tâm này nhúc nhích một cái thì toàn bộ tam giới sao có thể không nhúc nhích được? Tính cách chuyển động, thân cũng chuyển động, tam giới mà chuyển động, thì bệnh sẽ đến thôi, lúc đó đau chỗ này, đau chỗ kia đều đến cả”

Người ta bị bệnh thâm nhập vào cơ thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là từ Khí và Hỏa “khi người ta tức khí bốc hỏa lên, cơ thể con người ví như cái ‘nhà’ mở cửa ra thì những thứ bệnh ngoài mới vào được. Đó là nói những độc khí vào trong, bệnh sẽ từ từ mà ‘nhiễm’. Vậy, những bệnh như thế đều có những biểu hiện: có bênh thuộc về bệnh tâm lý, có bệnh thuộc về tính lý, có bệnh là bệnh sinh lý”.

Bệnh sinh lý là do cha mẹ di truyền (thuộc tính cách). Ngũ hành trong tính cách đó là: Hận, Oán, Não, Nộ, Phiền (tức sân hận, giận dữ, phiền não chướng) theo giáo lý nhà Phật, đây là trược khí, tập khí nhiều đời do vô minh hành. Vậy đem (hận, oán, não, nộ, phiền) đối chiếu với cơ thể của con người là: (tim, gan, phổi, tỳ, thận); một trong 5 độc (hận, oán, não, nộ, phiền) khi đã vào trong phủ tạng của con người thì cơ thể suy yếu và mắc bệnh, bởi 5 độc khí nói trên.

Cuốn sách “Vương Phụng Nghi Ngôn Hành” là cuốn sách cứu cánh (quan trọng) đối với Lưu Thiện Nhân. Nhờ cuốn sách này, ông chữa khỏi bệnh cho mình, sau đó ông bắt đầu giảng bệnh-chữa bệnh cho người khác. Đầu tiên là thử nghiệm chữa: thử một lần khỏi, hai lần khỏi, rồi thử tiếp tục các bệnh đều khỏi. Ở đây xin được nói để minh định thêm, bệnh nhân chữa thử nghiệm mà ông Nhân thưc nghiệm giai đoạn đầu đều là những bệnh nặng, chứ không phải nhẹ (bệnh nặng mà bệnh viện trả về không chữa được chờ chết) và với phương pháp chữa bệnh nêu trên, ông Nhân đã chữa khỏi dứt điểm nhiều ca bệnh hiểm nghèo và mang lại hạnh phúc thưc sự cho họ và gia đình.

Đáng lý người viết không phải dẫn giải dài dòng như vậy, nhưng phương pháp giảng bệnh-chữa bệnh theo ‘kiểu’ phối hợp y lý và bệnh nghiệp phát tác do tâm bệnh gây nên theo giáo lý nhà Phật mà ông Lưu Thiện Nhân thuyết giảng tại Đại học Bắc Kinh. Đây là trường hợp chữa bênh ‘hy hữu’ không dùng thuốc, với góc nhìn duy lý khoa học, thì kiểu chữa bệnh này chưa thuyết phục được đông đảo mọi người. Để giúp đạo hữu và bạn đọc nhận diện đôi nét về phương pháp giảng giải nguyên nhân bệnh tật và chữa bênh nêu trên của ông Lưu Thiện Nhân, dưới đây xin trích dẫn nguyên văn một “ca” giảng giải bệnh cụ thể theo phương pháp nói trên (trong số nhiều ca) mà ông Nhân đã chữa thành công để minh chứng:

Bệnh nhân ở đây là anh Vương Kim Hậu, được ông Nhân chữa khỏi bệnh ung thư dạ dầy, quê ở Thẩm dương. Và sau đây là nội dung (giảng bệnh-chữa bệnh) được xem như là một ‘cuộc’ hỏi đáp mà chúng ta thường gặp trong đời sống:

Ông Lưu Thiện Nhân, nhìn người bệnh có tên Vương Kim Hậu hỏi:

“Cậu oán trách nhất là ai?

Vương Kim Hậu (bệnh nhân) trả lời:

“Người cháu oán nhất là bố cháu!”

(LTN) hỏi tiếp: “Làm sao mà oán trách bố?”

Bệnh nhân (VKH) trả lời: “Bố cháu bắt cháu lấy vợ, bắt phải lấy, không lấy không được! (ở Trung quốc vẫn có vùng gia trưởng như vậy) mà người vợ này thì quá đần, cháu rất xem thường cô ta, cô ta làm gì cháu cũng thấy không hài lòng, thế là cháu oán trách bố cháu”.

LTN - “Cả ngày cháu đều oán trách như thế, dạ dầy là trống không, thuộc dương, cho nên cháu mới bị cái bệnh Ung thư dạ dầy, cái bệnh của cháu là như vậy. Tại sao người khác không gặp phải người vợ như vậy mà cháu lại gặp phải? Đó là do mệnh của cháu, thế mà cháu không chấp nhận (nghiệp mệnh) của mình, mà còn lại đi oán trách người già cả, như thế cháu có đúng không? Cháu thử nghĩ xem”.

Bệnh nhân (VKH) suy nghĩ một lúc rồi nói: “- Ái dà, đúng là cháu sai rồi, sai rồi, thôi không suy tính gì nữa đây cũng là bởi người vợ không khôn ngoan mà cháu đã làm không ít việc xấu, cháu xuồng dốc…”

(LTN) “- Cháu hãy xem lại cháu, cháu đã hủy hoại tâm sức của bao nhiêu người, bao nhiêu người vì cháu mà khổ, có đúng không?”

Bệnh nhân (VKH): “ Dạ! Đúng là cháu sai rồi!”

(LTN): “Được rồi cháu đã biết lỗi là được rồi!”

(LTN): Anh ta ở Thẩm Dương cách nhà tôi rất xa khoảng hơn 20 cây số, anh ta ở lại nhà tôi (một tối nữa). Hôm sau, thì anh ta về nhà và bắt đầu nôn ra: nôn ra toàn sợi thịt, anh ta bị bệnh ung thư dạ dầy, trong dạ dầy có mụn thịt to (ung bứu). Sau khi tôi giảng bệnh cho anh ta xong, anh ta nôn ra những sợi thịt như thế, đi đại tiện cũng ra sợi thịt. Vài ngày sau thì khỏi dứt bệnh…! Nghe xong “cuộc hội thoại” trên, (nếu không đủ lòng tin, đức tin thì không ít người cho đây là chuyện khó tin). Để rộng đường tìm hiểu xin bạn đọc tham khảo thêm bài “Giảng giảng nguyên nhân bệnh tật” của Lưu Thiện Nhân từ nguồn-Tịnh độ tông Việt Nam-cẩn dich-Phật tử : Tống Như Cường)

Thực tế Lưu Thiện Nhân Giảng bệnh-chữa bênh đến nay 23-24 năm rồi, trong vùng Bắc Long Giang (TQ) ai ai cũng biết tới Lưu Thiện Nhân. Hiện nay ông không ngớt có người đến hỏi bệnh. Với ông lúc nào cũng nhất tâm với tha nhân (chữa bệnh bất vụ lợi). Đó là tâm nguyện của ông khi có được phương pháp giảng bệnh-chữa bệnh đặc biệt này.

B- Sám hối chuyển nghiệp, tiêu nghiệp theo giáo lý đạo Phật

Nếu phần trên đề cập về  phương pháp giảng bệnh-chữa bệnh kết hợp sám hối đưa đến hiệu quả là khỏi bệnh, thì phần tiếp theo chúng ta cùng nhau tìm hiểu về giáo lý thâm hậu của đạo Phật trong việc sám hối để dứt trừ nghiệp chướng.

Cầu nguyện sám hối khởi đầu được xem như là sự biểu hiện của lo lắng, vị kỷ, nhưng lần lần do cảm niệm, hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của pháp này, mà tinh thần vị tha ngày được nâng cao. Cụ thể như lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng trong đạo Phật không chỉ đem lại sự chiêu cảm bình an cho bản thân mình, mà còn chan rải lòng từ đến cả tha nhân.

Theo cố HT. Thích Thiện Hoa: Cầu nguyện sám hối nội dung và thao tác thuộc về tâm thức hay gọi là phạm trù tinh thần của con người, nhằm giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm và những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội như lo lắng, sợ hãi một sự việc, một vấn đề nào đó vượt ngoài tầm kiểm soát của tự lực bản thân. Cầu nguyện sám hối còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về một đời sống hiện thực hay lý tưởng của mình trước một tha lực linh thiêng. Dù với hình thức nội dung nào thì cầu nguyện sám hối vẫn là một thể hiện của thiện tâm. Bởi vì, khi ta chắp tay, cúi đầu hành lễ trước đấng “thiêng liêng” lòng người trở nên khiêm hạ, cái “tôi” nhỏ bé, cái bi mẫn có cơ hội lan tỏa.

Với đạo Phật, sự cầu nguyện sám hối là một pháp môn tu của Phật tử, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp tiêu trừ, thân tâm hoan hỷ trước lộ trình giải thoát.

Đối tượng cầu nguyện sám hối căn bản của người Phật tử là Tam Bảo (Phật, pháp, Tăng) cụ thể là các đức Phật Bổn Sư, Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc, các vị Bồ-tát, các vị Thánh hiền. Đối tượng cầu nguyện của tín ngưỡng dân gian thì có tổ tiên, thần thánh, tổ sư, tổ nghề, ông bà cha mẹ đã qua đời.

Đối với người Phật tử chân chính chỉ cầu nguyện Tam bảo, các đức Phật, các vị Bồ-tát, Thánh tăng. Những Phật tử chưa thuần thục đạo pháp hay nói đúng hơn là chưa hiểu giáo lý và tin sâu Tam bảo thường thì vừa cầu Phật vừa cầu thần, nếu cần họ có thể cầu luôn cả cỏ cây đá núi…những Phật tử như thế, đức Phật và Bồ-tát đối với họ không khác các vị thần bao nhiêu. Chính vì vậy, mà khi Đức Thế Tôn sắp nhập diệt đã dạy ngài A Nan về việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo và việc thờ phụng ở thế giới này như sau: “Hiện tại trái đất này có các nơi xây cất: nhà thờ, đình, miếu để thờ Thần nơi trái đất này. Khi con người có các nơi thờ như vậy, họ yên lòng đem cái Tưởng và cái ham muốn của mình vào cho Thần giữ, khi Như Lai nhập Niết bàn, các ông lập chùa thờ Như Lai, là nhớ lời dạy của Như Lai mà Giác ngộ-giải thoát và biết quy luật luân hồi nhân quả, cũng như biết các phương tiện (diệu hữu) để trở về Phật giới. Nhưng những người đời sau họ không hiểu hoặc không tin ở chánh pháp Như Lai, mà theo (ngoại đạo) coi Như Lai như vị thần ban phước lộc và coi nhẹ việc Giác ngộ và giải thoát khỏi tam giới”.

Đức Phật còn dạy ngài A Nan và Phú Lâu Na về mối tương quan giữa các loài trong hành tinh tứ đại như sau: “Các ông nên biết, trên trái đất này là do ngũ thú tạp cư ( tức 5 loài sống chung). Loài người chỉ thấy được loài Súc sinh, còn các loài khác loài Người không thấy được. Loài Súc sinh cũng thấy được loài Người, loài súc sinh cũng không thấy được các loài khác. Còn loài Thần thì thấy được loài Người, loài Ngạ quỷ và loài Súc sinh. Còn loài Ngạ quỷ thì thấy được loài Người và loài Súc sinh. Còn riêng loài Địa ngục chỉ thấy được loài của họ thôi.

Loài Thần và Ngạ quỷ thì họ làm được những hiện tượng lạ, chứ họ không giúp được gì nhiều, và không gây phương hại ai.

Mọi việc đều do con người cả:

Ví thử, như con người thỉnh ông Thượng Đế vào nhà mình thờ, rồi lạy và cúng. Ông Thượng Đế đâu có xuống Địa cầu này để ăn. Còn ông Thần thì ở miếu, đến nhà mình làm gì? (trừ khi mình mời ông ta đến). Còn Ngạ quỷ thì không cần mời, cứ thấy thức cúng là họ kéo đến giành giật lấy ăn. Vì vậy, những nơi mà loài Người cúng, là cúng cho Ngạ quỷ, cô hồn đến ăn thôi”.

Vậy cầu nguyện sám hối, tùy theo trình độ văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng mà có sự khác nhau về (giá trị hiệu quả- đạo đức và lợi ích). Đó là một thế giới muôn mầu, muôn vẻ. Song, dù sao đối tượng cầu nguyện thì phải linh thiêng, phải hoàn hảo, quyền năng vô tận và có tác dụng ảnh hưởng đến Tâm thức của người cầu nguyện sám hối. Vì sao người viết phải đề cập đến vấn đề nêu trên, bởi hiện nay xã hội đang lan tràn việc cầu xin lễ bái dưới nhiều hình thức tín ngưỡng khác nhau. Bởi không ít người nắm được nội dung chân thật của chánh pháp, thì làm sao có được hiệu quả tốt đẹp đem lại của việc sám hối cầu nguyện. Trong khi đó, các tổ thầy dạy: cầu nguyện sám hối điều cần thiết nhất, và tối quan trọng nhất lại là sự thành thật và hiểu biết chánh pháp.

Lợi ích của cầu nguyện sám hối

Các tổ thầy thường nói, con người sinh ra trong cuộc đời này, không ai dám nói mình là người hoàn toàn trong sạch, nên Phật dạy: “Phàm xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi”.

Thế nên sống trong cuộc đời cát bụi này, thì làm sao trong sạch được, vậy ở trong cát bụi ô trược tất phải nhiễm ô. Nhiễm ô bụi ở ngoài đời và bụi trong cả tâm ý, nên bao ác nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp nó làm cho ta không thấy được con đường chánh, xa dời chân tâm, đắm mình trong tội lỗi. Vậy chúng ta muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để tẩy trừ bụi nhơ, tẩy trừ tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối.

Vậy sám hối đem lại lợi ích thế nào? Theo kinh Sám hối của đức Phật: Sám hối để tỏ lòng ăn năn, để trở về hành động chánh kiến. Chữ “sám” tiếng Phạn gọi là Sam ma, tiếng Hán gọi là “hối quả”. Kinh nói “Sám giả kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quă”. Nghĩa chữ sám là ăn năn lỗi trước, còn hối là chừa bỏ lỗi sau. Nếu dùng một chữ sám hay một chữ hối thì chưa đủ ý nghĩa, nên các cổ đức xưa ghép hai chữ lại thành danh từ “sám hối”, dịch theo tiếng Việt là “ăn năn chừa lỗi”. Như thế trong chữ sám hối có hàm nghĩa là ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ và bây giờ cho đến về sau mình nguyện không tái phạm.

Theo giáo lý chữ sám hối là danh từ riêng của đạo Phật, nhưng trong đời sống thế tục, hình thức sám hối, nhận lỗi cũng được áp dụng phổ biến theo tín ngưỡng dân gian. Ví dụ như có lỗi với ông bà, làng xóm, thường dùng trầu rượu, heo gà, tiền bạc để tạ lỗi. Theo thầy Thiện Hoa, hình thức tạ lỗi sám hối trên cũng được, nhưng chưa hoàn hảo và còn thô thiển chấp kiến. Bởi nó chỉ áp dụng để đối phó với bên ngoài, chứ bên trong tội lỗi xảy ra ở nội tâm, thì khó có thể áp dụng hình thức nói trên. Đơn cử như có đạo dùng máu thú vật để xin rửa tội với thần linh. Có đạo chủ trương xuống tắm ở những sông, suối mà người ta cho là linh thiêng thì hết tội; có đạo lại đem phẩm vật để xin thánh thần tha tội; có đạo lại chủ trương khổ hạnh, ép xác như đánh đập mình, nhị đói…để được giải thoát tội lỗi. Những cách chịu tội như thế đều sai lầm mang mầu sắc mê tín. Theo đạo Phật, tội lỗi thuộc về tâm lý (duy thức tôn) không có hình tướng rất vi tế. Vậy làm sao có thể lấy máu huyết phẩm vật hay xác thân làm sạch tội lỗi được. Cho nên đức Phật dạy: “Tội lỗi do tâm của ta tạo ra, không ai có thể thưởng phạt đươc. Tội lỗi đã từ tâm tạo, thì cũng phải từ tâm mà diệt”. Vậy chúng ta muốn hết tội, phải y theo pháp sám hối chân chính của đức Phật mà thực hành mới tiêu được nghiệp chướng vi tế.

Theo luật nhân quả, kẻ gieo giống xấu ác thì phải ăn quả đắng đót, người trồng giống quý thì hưởng quả ngọt ngon. Tội lỗi do mình tạo, thì cũng từ mình mà sám hối. Muốn hết tội, phải tuân theo chánh pháp (tức không theo tà ma ngoại đạo). Trong Phật giáo có 4 pháp sám hối: có pháp thuộc về sự, có pháp thuộc về lý xin được tóm gọn dưới đây:

1/ Tác pháp sám hối: Pháp sám hối này thuộc về sự, phải lập giới đàn và phải thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp.

1/ Thủ tướng sám hối: Pháp này thuộc về sự và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp này, là sám hối thuộc quán tưởng cho những người tu hành có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng, hay có nhưng không được thanh tịnh. Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước tượng Phật hay Bồ tát, thành tâm lễ bái, trình bầy những tội lỗi đã phạm và nguyện ăn năn chừa bỏ, làm như thế 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, đến 49 ngày và mãi đến khi nào thấy được hảo tướng như: thấy hào quang, hoa sen báu, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu.v.v. thì mới thôi!

3/ Hồng danh sám hối: Pháp này thuộc về sự, do Bất Động Pháp Sư đời Tống (TQ) soạn. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong kinh “Ngũ Thập Tam Phật, tức là từ đời Đức Phổ Quang đến Đức Phật Nhất Thế Pháp Tràng Mãn Vương Phật. Và rút 35 danh hiệu trong kinh “Quán Dược Vương, Dược Thượng” với pháp thân đức Phật A Di Đà, sau đó thêm vào kệ Phổ Hiền Đại Nguyện, thành nghi thức sám hối này, tổng cộng là 108 lạy, để ám chỉ 108 phiền não. Nghi thức sám hối này, nếu ai chí thành lễ, thì sẽ diệt trừ được những phiền não và tội lỗi đã tạo trong đời hiện tại cũng như nhiều đời quá khứ. Đức Phật Tỳ Bà Thi nói: “Nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu 53 vị Phật này, thì trăn ngàn ức kiếp không đọa vào ba đường ác”. Đức Phật Thích Ca nói: “Thủa xưa thời Phật Diệu Quang, Ta đi tu nhằm đời mạt pháp, nhờ được nghe danh hiệu 53 vị Phật này, và thành tâm lễ bái mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sinh tử luân hồi nhiều kiếp”.

Còn 35 danh hiệu sau, từ đức Phật Thích Ca cho đến đức Phật Bửu-Liên- Hoa-Thiện-Trụ-Ta-La-Thọ-Vương, thì trong kinh Bửu Tích nói: “ Nếu tất cả chúng sinh, hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác đến muôn kiếp…chỉ xưng danh hiệu 35 vị Phật này và lễ bái, thì bao nhiêu tội chướng đều tiêu trừ”.

4/ Vô sanh sám hối: Pháp này thuộc về lý sám hối rất cao và khó, bậc (thượng căn) mới có thể thực hành được.

Luận về tội lỗi và thời gian: theo tổ thầy dạy, thì ta thấy tội lỗi xưa là rất nhiều, bởi sự tiếp nối liên lạc với nhau từ đời nọ đến đời kia, như một xâu chuỗi dài vô tận. Rồi đến mỗi đời, từ sinh đến tử, từ tử đến sinh, chúng ta cứ tạo thêm tội lỗi lớn nhỏ không dứt, cứ cái đà tăng trưởng mãi ấy, mà tạo thành một sức mạnh gọi là Nghiệp lực, dẫn dắt chúng ta vào những đường khổ não, mê lầm, tức là dòng sinh tử mà chúng ta đang thọ vậy. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phổ Hiền Bồ tát có nói: “Nếu tội lỗi chúng sinh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không chứa hết”.

Chư Phật, Bồ tát và các tổ thầy dạy: “Tội lỗi của chúng sinh chất chồng từ muôn vạn kiếp truyền nối qua thời gian, bởi di truyền, phong tục, tập quán, thói quen .v.v. Chẳng hạn như tánh tham, chúng ta mới sinh ra nào có ai dạy thế mà vẫn biết; và cũng không ai bảo chúng ta giận hờn, vậy mà gặp điều gì trái ý là chúng ta cau có chửi bới om sòm. Những tánh xấu ấy, có một lần với thân mà rất sâu sắc khó dứt trừ. Trong kinh gọi chúng là “câu sanh phiền não”, hay “bổn hữu chủng tử” nghĩa là hạt giống có từ lâu. Những hạt giống xấu ác này lại làm duyên sinh ra các tội lỗ khác, mà trong kinh luân gọi là “phân biệt phiền não” hay “thí khởi chủng tử” nghĩa là hạt giống mới nhiễm ô do ảnh hưởng từ thời đại, tập quán, phong tục chi phối. Vậy các tổ thầy nói rằng: “Phân biệt phiền não” thì dễ trừ, nhưng “câu sanh phiền não” rất khó trừ…bởi chúng như cỏ cú (cỏ ấu) đâm sâu gốc rễ rất xa; muốn dứt tuyệt chúng, nếu không có phương pháp thích hợp, thì chẳng khác nào lấy đá đè cỏ. Vậy, phương pháp thích hợp trong sự sám hối là phát triển hạnh lành, để tiêu trừ tội lỗi cũ hoặc trong khi ta sám hối để tiêu trừ nghiệp xấu đã làm, thì chúng ta cố gắng giữ gìn đừng để phát sinh nghiệp xấu mới. Có như vậy, lần lần làm trong sạch được nghiệp xấu ác.

Nhìn vào tội lỗi từ vô lượng kiếp để chúng ta thấy và biết sợ nhân quả, mà không dám tạo nghiệp xấu ác. Song với “phước mỏng nghiệp dầy”mà ta đã tạo từ muôn kiếp, nhưng chúng ta đừng bi quan, bởi chư Phật, Bồ tát, tổ thầy đã thương và dạy chúng ta cách sám hối tội lỗi là mong đời sống chúng ta ngày một tố hảo hơn. Bởi trong mỗi chúng ta đều có Phật tánh, đây là cái mầm hạnh lành, nhưng cái mầm hạnh lành ấy bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng, si mê. bây giờ chúng ta mới hiểu và thấm nhuần giáo lý Phật và thành tâm sám hối mỗi ngày để tiêu trừ nghiệp cũ, và ngăn ngừa nghiệp xấu ác mới phát sinh. Đó là chúng ta đã bước vào lộ trình tu Phật để dứt trừ phiền não, dứt trừ ma chướng, dứt trừ ba nghiệp.

Dựa trên giáo lý các tổ thầy dạy, sám hối để trừ nghiệp chướng, nhằm hướng tới niềm hạnh phúc an lành. Đó là mong muốn của không ít chúng ta. Song thực tế, không phải ai cầu nguyện sám hối cũng đạt ngay được kết quả như mình mong đợi. Vì sao vậy? Theo cố HT. Thích Thiện Hoa trong phần sám hối có nói: “Sám, là biết tội lỗi của mình; hối, là ăn năn không để cho tội ấy tái phát trở lại”.

Tại sao không để cho tội lỗi tái phát trở lại?

Vì tổ thầy đã dạy, phải sám hối ‘rốt ráo chân thật’ với tội lỗi của mình gây nên thì mới đem lại giá trị kết quả đích thực, ví như trong (toán học kinh tế người ta nói phải trao trả ngang giá). Nếu sám hối hời hợt chiếu lệ bên ngoài (mang tính đối phó hình thức) thì cả người vi phạm (tội lỗi) sám hối và người (thầy) trợ duyên đứng ra làm lễ sám hối đều vô phần (không lợi ích). Bởi Pháp sám hối (xin nhắc lại) rất cần sự chân thật trong quá trình thực thi sám hối tội lỗi (dẫu chỉ một chút tán tâm rải đãi, nghi ngờ chánh pháp, hay không trang nghiêm trong khi thực hiện chánh pháp đều không đem lại hiệu quả). Đấy là chưa kể nếu “rước voi (dùng thầy tà) về rày mồ” thì chỉ chuốc lấy phiền não chướng dài dài.

Nhân bài viết liên quan này, xin nêu một trường hợp cụ thể về việc “sám hối vong thai nhi vô tội” để chúng ta suy ngẫm và minh định:

“Người viết bài này có ‘đứa cháu hư’ tên Th. Sinh viên trường Đại học (SPKT- HY) khóa (2016-2019). Vì do si mê ái dục dẫn dắt nên năm thứ nhất Th. đem lòng yêu một cháu gái cùng khoa rồi dẫn đến có thai phải nạo phá “Vong thai nhi vô tôi” . Không dừng lại ở đợt phá thai lần đầu, “ngựa quen đường cũ” năm tiếp theo hai hoang ‘dâm’ trẻ là Th- H, lại có thai với nhau và chúng lại nạo phá lần thứ hai. Biết chuyện, gia đình phê phán, mắng mỏ về việc làm hư hỏng thiếu đạo đức của chúng, bởi lẽ không nói với gia đình để ‘lo việc’ mà tự ý làm việc vô luân ấy. Còn với chúng thì biện hộ lý do đang trong giai đoạn học không thể…). Thật là đáng tiếc, bởi bọn trẻ làm sao hiểu được sự hệ lụy xấu ác kéo theo của những vong thai nhi vô tội bị tước đoạt mạng sống của chúng đây? Tâm sự với người lớn, chúng chỉ biết ‘khóc nóc’ và ân hận bởi việc làm mà chúng đã tạo ra. Thật là khó diễn tả về những căn bệnh do vong thai nhi vô tội sân hận gây nên đó là: tình trạng sức khỏe bị sa sút nghiêm trọng sau khi nạo phá thai; sự học hành cũng sa sút kéo theo như học hành chểnh mảng nợ môn, tai nạn xe máy thường xảy ra với hai đứa trẻ bất thường khó hiểu; nội bộ gia đình hai bên nảy sinh nhiều phiền não chướng và nhiều chuyện khác nữa…

Thật hữu duyên sau phiền não chướng, hai cháu (Th. H) gặp được (thiện tri thức) tức thầy có tâm hạnh chỉ bày sám hối. Kết quả 3 tháng đầu, bệnh thuyên giảm; mối bất hòa giữa chúng và gia đình hai bên dần dần được cải thiện; rồi 3 tháng sau lại thật may mắn có được thông báo từ Trai Đàn Chẩn Tế Siêu độ, bạt độ cho vong thai nhi vô tội tại nghĩa trang “Đồi Cốc” (2/2019 do chùa Thiên Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội tổ chức). Như có người mách bảo, cả hai cháu( Th và H) nhận được tin này, đã thành tâm theo lễ phụng thỉnh - Sám hối, hồi hướng cho các vong thai nhi vô tội mà mình đã tạo tác. Kết quả đến nay hai cháu trở lại học hành bình thường và sắp mãn khóa ra trường. Nếu đủ duyên phận sẽ báo cáo hai gia đình tổ chức; nếu có duyên mà không có phận theo cổ nhân dạy, thì hai  gia đình cũng như hai cháu sớm biết được lý đạo (tức giác ngộ) mà buông xả cho nhau. Vậy ở đây càng ngẫm câu nói của chân nhân dạy thật đúng: “không vấp ngã trước cuộc đời là tốt, nhưng vấp ngã rồi lại đứng dậy đi lên lại càng tốt hơn” phải chăng là lý này đây?”.

Trở lại vấn đề nêu trên của chủ đề này, tại sao Kinh Sám Hối đức Phật dạy: “Tâm tạo tội, thì cũng phải từ tâm ấy mà sám hối” và không ai có thể làm thay được. Đạo Phật minh triết vi diệu, nhưng cũng dung dị thực tiễn, dễ hiểu, dễ thấy và nếu có lòng tin, đức tin thành thật nhận lỗi, sám hối trước việc làm tội lỗi của mình đã tạo tác, thì kết quả cũng chẳng phải là xa vời như trong câu chuyện mà người viết có quyến thuộc đã phạm phải lỗi lầm đối với các vong thai nhi vô tội như đã trính bầy để làm dụ cho bài viết này.

 
Tội từ tâm tạo đem tâm sám. Ảnh minh họa 

Vấn nạn nạo phá thai nhi vô tội hiện nay trên toàn thế giới cũng như khu vực và ở riêng nước ta mỗi năm có (trên 300 nghìn ca) nạo phá thai vô tội và xu thế này ngày càng gia tăng: Theo cố HT. Tuyên Hóa thượng nhân: “Phá thai là một vấn đề vô cùng quan trọng. Một trong những lý do hiện nay trên thế giới có quá nhiều hoài nghi, khó khăn cũng như quá nhiều chứng bệnh nan y, là do từ sự phá thai và không biết phương pháp sám hối theo Chánh pháp của Phật giáo. Đề cập về tội lỗi của việc nạo phá thai và khuyến cáo chúng ta sớm có giải pháp ngăn ngừa vấn nạn này, Tuyên Hóa thượng nhân khuyên chúng ta hãy dành một chút ‘chính niệm’ và suy nghí xem: “Một sanh mạng (thai nhi) chưa kịp chào đời đã trở thành một oan hồn, khắp nơi nhan nhản những hồn ma nhỏ bé phiêu bạt đòi mạng, thì theo chúng ta, xã hội có thể an ninh được sao? Những hồn ma nhỏ bé này cần phải gặp được những Người có Đạo hạnh và không tham tiền thì mới được siêu độ; hoặc nếu là người biết ăn năn thành thật sám hối, cải hóa lỗi lầm của mình gây nên, mà thành tâm sám nguyện, thì theo HT. Tuyên Hóa “dù chỉ một câu thành khẩn sám hối tội lỗi thôi” thì mọi oán cừu của các vong thai nhi vô tội kia cũng sẽ được tháo gỡ buông xả. Và ngược lại, nếu không y chỉ theo Chánh pháp phụng hành sám hối (mà sa lầy vào tà kiến mê mị) thì muôn đời, muôn kiếp trầm luân trong lục đạo luân hồi.

 

Nguyễn Đức Sinh

Tài liệu tham khảo:

- Bài Pháp tu căn bản của người Phật tử - HT. Thích Thanh Từ - Điện tử: phatgiao.org.vn và Vườn hoa Phật giáo (tháng 4/2019).

- Bài 10 danh xưng của đức Phật – Điện tử: (VHPG – 5/4/2019 – nguồn Đại Bảo Tháp Tây Thiên)

- Bài Giảng giải nguyên nhân bệnh tật – Lưu Thiện Nhân giảng bệnh tại Đại học Bắc Kinh- theo nguồn Tịnh độ tông Việt Nam – Bản dịch Phật tử Tống Như Cường- đăng tải bởi Tuệ Dũng (thứ 3 - ngày 14/12/ 2018).

- Phật học Phổ thông – (Cố HT.Thích Thiện Hoa - Nxb. Tp.HCM, 2001).

- Thí luận Tuyên Hóa HT Đích Phật Học Cống hiến - Nguyệt san Vajra. Bodhi Sea từ số 6/1996 đến số 10/1997 – Trần Do Bân).

 

 

 

 

 


Tin cùng chuyên mục