Linh thiêng lễ an vị và đêm hội hoa đăng tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông


TLYT - Tối ngày 12/12/2023 (nhằm ngày 30 tháng 10 năm Quý Mão), nằm trong khuôn khổ của chương trình Đại lễ kỷ niệm 715 năm Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết - bàn (1308 - 2023), tại cung Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, Tp. Uông Bí) Trung ương GHPGVN phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Lễ an vị tôn tượng Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc phỉ thúy và Đêm hoa đăng  “Phật giáo Trúc lâm – Hội tụ và lan toả”.

Quang lâm chứng minh, tham dự lễ có: Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự TƯ; Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị Hoà thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Hoà thượng Thích Quảng Xả, Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Hoà thượng Thích Thanh Điện, Thượng tọa Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự); Thượng toạ Thích Thanh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I TƯGH; chư Tôn đức Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Văn phòng I TƯGH, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, …

Về phía khách mời có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn An, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; GS. Sử học Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội; cùng đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP.Uông Bí… và gần 1000 Phật tử hoan hỷ về dự lễ.

Thượng toạ Thích Đạo Hiển phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc TT. Thích Đạo Hiển - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã khái quát qua tiểu sử và công lao của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Vua Trần Nhân Tông là một lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc; đối với đạo pháp, Vua Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngai vàng để lên núi tu hành và đắc đạo. Ngài có công rất lớn trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và thành lập Thiền phái Trúc Lâm, mang đậm nét tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của Ngài đối với Dân tộc và Đạo pháp, Để tôn vinh ngài, Tăng Ni, Phật tử và nhân dân đã gọi Ngài là Vua Phật của Việt Nam.

Chư Tôn đức cử hành nghi lễ gia  trì, an vị tôn tượng Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc phỉ thúy tại Cung Trúc Lâm Yên Tử

Tiếp đó, Ban Tổ chức đã cung thỉnh chư Tôn đức chứng minh tổ chức khóa lễ gia trì chú nguyện, trì Đại bi Thập Chú, Bát nhã tâm kinh, niệm Phật an vị tôn tượng Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu ngọc phỉ thúy an vị tại Cung Trúc Lâm Yên Tử… và thắp hoa đăng với chủ đề: “Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan tỏa” cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn nhân kỷ niệm 715 năm Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết - bàn (1308 - 2023).

Tôn tượng Đức vua  – Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu ngọc phỉ thúy
Đếm hoa đăng chủ đề: “Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan tỏa”

Được biết, trong thời gian từ 22 giờ đến 24 giờ cùng ngày đã diễn ra lễ cúng Phật - Thỉnh Tổ tại chùa Hoa Yên, kinh hành nhiễu tháp Phật Hoàng tại vườn Tháp Tổ và vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày mai 13/12/2023 (nhằm ngày 01 tháng 11 năm Quý Mão) sẽ chính thức diễn ra Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết – bàn và khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử.

Đường xuống vườn Tháp Tổ
Tháp Tổ

Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:

Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ; chủ Tôn đức Tăng Ni đồng niêm hương bạch Phật
Văn nghệ chào mừng
Cung tỉnh chư Tôn đức hồi quy khách đường

Thực hiện: Thành Trung - Nhóm PV Phật sự Online


Tin cùng chuyên mục