Toàn văn bài tham luận của TT. Thích Đạo Hiển: Hình ảnh và vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong lòng Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh



 
Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “75 năm Công an Nhân dân xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (19/8/1945-19/8/2020) và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2020) do Bộ Công an tổ chức, với đề tài “Hình ảnh và vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong lòng Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh”
 
 
        - Kính thưa quý vị lãnh đạo Bộ Công an!

- Kính thưa quý vị chủ trì hội thảo!

- Kính thưa quý vị đại biểu!

Tôi vô cùng vinh dự được tham dự hội thảo nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập Công an nhân dân và 15 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc do Bộ Công an tổ chức. Trước tiên tôi xin gửi lời chúc tốt lành nhất tới quý vị lãnh đạo và quý vị đại biểu, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính thưa quý vị!

Quảng Ninh là tỉnh phía Đông Bắc Việt Nam, có địa bàn đa dạng: có miền núi cao, đồng bằng và hải đảo, có đường biên giới đất liền và trên biển, kinh tế - xã hội phát triển sôi động. Quảng Ninh cũng là tỉnh có đông đồng bào các tôn giáo, có nhiều di tích tôn giáo và lễ hội nổi tiếng. Phật giáo có lịch sử lâu đời, đặc biệt nơi đây có hệ thống di tích danh thắng Yên Tử, nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - nền Phật giáo yêu nước và nhập thế thời Trần do Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 150 ngôi chùa thờ Phật, nhiều chùa là di tích cấp quốc gia và đặc biệt quốc gia; có hơn 600 chức sắc và Tăng Ni tu hành, 185 nghìn tín đồ quy y Tam bảo. Tình hình Phật giáo trên địa bàn Quảng Ninh 20 năm qua ổn định và có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt; Tăng Ni, Phật tử phấn khởi tu hành, đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có được điều đó là nhờ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng tôn giáo, nhờ nổ lực vượt bậc của Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn, nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của xã hội đặc biệt là sự giúp đỡ của lực lượng Công an nhân dân .

Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh nhận thức rằng: tổ quốc có hòa bình, độc lập thì tôn giáo mới có tự do và xã hội có an ninh trật tự thì mọi người mới có thể an tân tu đạo. Vì vậy trong hơn 20 năm qua, Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn Quảng Ninh đã rất tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình hay, đẹp và hiệu quả trong Phật giáo như: phong trào gắn kết lễ hội với công tác tuyên truyền an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội tại Uông Bí; phong trào Tăng Ni, Phật tử tự giác, tự quản tại thị xã Đông Triều; phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến gắn với hoạt động từ thiện nhân đạo tại thị xã Quảng Yên hay Tăng Ni, Phật tử với chủ quyền biên giới, hải đảo tại thành phố Móng Cái. Thông qua các hoạt động, các phong trào này đã làm cho Tăng Ni, nhà tu hành gắn kết hơn với xã hội, phát huy vai trò, vị trí, uy tín trong cộng đồng Phật tử và nhân dân. Điều quan trọng là: Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh làm việc này một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác coi đó như cơm ăn, nước uống hàng ngày, coi đó  cũng là việc tu đạo, góp phần hộ quốc an dân.

Tuy nhiên, để có được phong trào và kết quả đó là nhờ sự phối hợp, gắn kết giữa các chức sắc Phật giáo và cán bộ chiến sĩ Công an Quảng Ninh trong hơn 20 năm qua. Chúng tôi nhớ mãi từ ngày đầu vận động, thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; lúc đó trên địa bàn tỉnh số lượng Tăng Ni tu hành còn ít, mỗi vị lại từ các tỉnh, các địa phương, các sơn môn khác nhau về nhận chùa tại Quảng Ninh nên phần nào thiếu gắn kết; chính anh em cán bộ An ninh là người góp phần quan trọng để các Tăng Ni khác sơn môn, hệ phái gắn bó, hòa hợp với nhau cùng xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quảng Ninh vững mạnh như ngày hôm nay.

Chúng tôi và các Tăng Ninh Quảng Ninh nhớ mãi hình ảnh Thượng tá Nguyễn Thành Tô, cán bộ Phòng an ninh xã hội nay là Phòng an ninh đối nội  Công an Quảng Ninh, người có gần 40 năm gắn kết với với đồng bào tôn giáo Quảng Ninh, người cùng ăn, cùng ở, cùng chia ngọt sẻ bùi với chức sắc Phật giáo Quảng Ninh từ lúc Phật giáo Quảng Ninh chỉ có 5 vị Tăng Ni, đến nay Quảng Ninh có hơn 600 Tăng Ni; từ lúc Quảng Ninh chỉ có khoảng hơn 10 ngôi chùa đến nay có 150 ngôi chùa, từ lúc Tăng Ni Quảng Ninh “ai có thân người ấy tu” đến nay gắn kết thành một Giáo hội đoàn kết vững mạnh.

Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh cán bộ chiến sỹ Công an bảo vệ trật tự an ninh lễ hội tại non thiêng Yên Tử đã “nếm mật, nằm gai” theo đúng nghĩa đen của từ này. Tăng Ni trên núi của chúng tôi sống thế nào, ngủ thế nào, ăn thế nào thì anh em cũng như thế. Không những thế, nhiều lúc anh em còn nhận nhiều phần việc nặng hơn, khó khăn, vất vả hơn nhiều. Lễ hội Yên Tử từ lúc chỉ khoảng 20 vạn người/1 năm đến nay có năm hơn 1 triệu người/1 năm; nhân dân, Phật tử tham gia lễ hội phấn khởi bao nhiêu thì anh em Công an - lực lượng chủ chốt trong bảo vệ an ninh trật tự vất vả bấy nhiêu. Do gắn kết như vậy nên trong cuộc sống tu học và hành đạo, lúc gặp nhiều khó khăn trở ngại các Tăng Ni, chức sắc Phật giáo luôn chia sẻ, nhờ vả sự giúp đỡ của lực lượng Công an. Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh muốn xây chùa, phát triển Phật giáo tới các huyện miền núi, các địa bàn biên giới, hải đảo thì lực lượng phối hợp tiên phong cũng là các anh em Công an, chính các anh là người thông thuộc địa bàn nhất, nắm chắc nhất tình hình tại địa phương, giúp Phật giáo bén rễ và bám chắc tại đó.

Kính thư quý vị đại biểu!

Hàng năm, hàng quý, hàng tháng; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và Công an Quảng Ninh đều có các cuộc họp hoặc thường xuyên trao đổi công việc, đặc biệt tích cực phối hợp giải quyết ngay các vấn đề nảy sinh. Cứ 2 năm một lần, Công an tỉnh lại phối hợp với Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức hội nghị biểu dương Tăng Ni, Phật tử có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Những dịp như thế là dịp để tổng kết, để biểu dương, để nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Qua các hoạt động như trên, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: Đạo Phật gắn liền với con người, xã hội, “Phật pháp bất ly thế gian giác” nghĩa là Phật pháp không thể tách rời thế gian mà giác ngộ. Tu là hành động, là làm tất cả mọi việc tốt đẹp cho con người, cho đất nước trong cuộc sống trần thế này, phải tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, bình yên đó chính là cõi tịnh độ hiện tiền tại nhân gian như lời Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy:

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn người hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc…”

Và chính việc làm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bình yên xóm làng chính cũng là người đang tu hạnh Bồ tát, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, nhân dân no ấm, hạnh phúc; tạo dựng tịnh độ, thiên đường ngay tại nhân gian này.

Kính thưa toàn thể hội thảo!

Xây dựng và bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn dân, gìn giữ cuộc sống bình an là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Bảo vệ an ninh Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, tuy nhiên chúng tôi nghĩ: mỗi phong trào phải có bộ phận tham mưu tài giỏi, phải có đội quân tiên phong tinh nhuệ và phải có điển hình quần chúng tích cực tham gia; ở đây lực lượng Công an nhân dân chính là bộ phận tham mưu tài giỏi, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xứng đáng là đội quân tiên phong, tinh nhuệ; còn chúng tôi Tăng Ni, Phật tử và nhân dân xin nguyện là quần chúng đồng hành tham gia tích cực. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiều đạo lạ, tôn giáo mới xuất hiện và các hiện tượng truyền đạo trái phép, đi ngược lại nét văn hóa, nét đẹp truyền thống “thuần phong mỹ tục” của nhân dân ta. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng: chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào có đạo; đặc biệt chú ý tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để phong trào phát triển được tốt hơn, chúng tôi kiến nghị:

- Anh em cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân là phải người hiểu biết sâu sắc triết lý các tôn giáo và phong tục tập quán tại địa phương, phải là những chuyên gia  dân tộc học, tôn giáo học.

- Phải gắn bó trực tiếp với cơ sở, 3 cùng với nhân dân; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là người làm dân vận khéo.

- Phải là người có tâm thật sự với các tôn giáo, mong muốn các tôn giáo phát triển đóng góp cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

- Phải gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ, tranh thủ với các chức sắc tôn giáo tiêu biểu, uy tín từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; bởi mỗi lời nói của các chức sắc tôn giáo uy tín sẽ hiệu lực hơn nhiều các phương pháp khác. Làm được như thế chắc chắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ, thành công rực rỡ.

Xin chúc phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Kính chúc quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu an lạc, hạnh phúc.

Chúc hội thảo thành công viên mãn. 



Tin cùng chuyên mục