Đến thời Nguyễn, tại vườn chùa có xây dựng thêm 5 ngọn tháp để ghi nhớ các nhà sư đã trụ trì tại Quỳnh Lâm. Ngoài ra chùa còn có một chuông đồng lớn được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), chuông cao 1,45m; đường kính 0,70m. Nhà tổ của chùa thờ 3 tượng Trúc Lâm Tam tổ, trước nhà thờ có gác chuông gỗ 9 gian to và cao, 3 gian giữa nóc cao hơn gác chuông 2 đầu, mỗi bên 3 gian bên treo chuông, bên treo khánh. Năm 1947, giặc Pháp ném bom chùa bị hủy hoại hoang tàn.
Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2016 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 3 tòa thượng điện, hành lang giải vũ, cổng tam quan, sân vườn, nội thất thờ tự và công trình phụ trợ. Kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đá thanh, lớp ngói mũi hài truyền thống, gạch bát phục chế theo đúng kiến trúc mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục chùa Quỳnh Lâm sẽ được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị di tích.
"Ngôi chùa dự kiến sẽ được khánh thành giai đoạn I vào 14/11/2020 - thời điểm tổ chức Hội thảo Khoa học: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử – kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch” tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà tu hành viết các bài tham luận, hơn 500 đại biểu tham dự", ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu di tích nhà Trần thông tin
Cỏng Tam Quan đang được khẩn trương hoàn thiện
Ông Sơn cho biết thêm: "Chi phí trùng tu, tôn tạo giai đoạn 1 khoảng 60 tỷ trong đó khoảng 52,4 tỷ là do xã hội hóa, còn lại là ngân sách của thị xã Đông Triều. Giai đoạn 2 tập trung vào chỉnh trang khuôn viên, các hạng mục vườn tháp..."
Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm, biến cố: lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 2 (Âm lịch) du khách các nơi lại đổ về trảy hội Quỳnh Lâm.
Toàn Vũ | Dân Trí