Tham luận: Phát huy di sản Phật giáo Trúc Lâm trên đường hội nhập và phát triển


TLYT - Phật giáo Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng Giáo hội và Dân tộc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Với niềm tin ấy sẽ là động lực để chúng ta cùng nhau tinh tiến tu học và trưởng thành, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhà nước, Giáo hội và xã hội.


Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, hải đảo miền Đông Bắc của Tổ quốc. Phật giáo Quảng Ninh có truyền thống lịch sử lâu đời. Dưới thời đại nhà Lý, Phật giáo đã phát triển rực rỡ tại Quảng Ninh. Đặc biệt dưới thời Trần, Đông Triều - Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước; Với sự kiện năm 1299 Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông về núi Yên Tử xuất gia tu Phật, sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái Phật giáo Việt Nam độc lập do Hoàng đế Việt Nam thành lập với tư tưởng “Hòa Quang Đông Trần”, “Cư Trần Lạc Đạo”, tinh thần nhập thế “Hộ quốc an dân” trở thành tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam. Từ đó, Yên Tử - Quảng Ninh trở thành vùng đất Phật, địa danh Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước. Trải qua nhiều thời đại, nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, Yên Tử - Quảng Ninh trở thành nơi về nguồn của Phật giáo và Dân tộc Việt Nam.
Kế tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ tiền nhân, tăng ni, phật tử Quảng Ninh luôn tự hào được lưu giữ, kế thừa, học tập và tu dưỡng trên vùng đất Phật. Để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới; Được sự chấp thuận của Trung ương GHPGVN và tỉnh Quảng Ninh, qua một thời gian vận động ngày 21 tháng 01 năm 2005 tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Ninh chính thức tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ nhất, thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội. 

Từ đó đến nay, dưới sự quản lý, điều hành của Ban Trị sự, phong trào Phật giáo Quảng Ninh đã có bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ và toàn diện. Trải qua 4 nhiệm kỳ Đại hội, với đội ngũ nhân sự trẻ luôn đoàn kết và nhiệt huyết đã xây dựng Phật giáo Quảng Ninh ổn định về nhân sự, phát triển toàn diện mọi phong trào và tạo được niềm tin về tâm linh, trách nhiệm với đất nước và Giáo hội.
 
Tại Đại hội lần thứ nhất (năm 2005) toàn tỉnh có 65 tăng ni, 90 nghìn phật tử, 67 chùa; mọi hoạt động của Phật giáo Quảng Ninh lúc đó chỉ phục vụ cho nhu cầu gói gọn trong tự viện. Sau 12 năm phát triển, hiện nay toàn tỉnh có hơn 600 vị tăng ni, 168 nghìn phật tử, 159 chùa. Vị thế Phật giáo Quảng Ninh đã vươn ra tầm quốc gia và quốc tế ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. 
Tương ứng 4 nhiệm kỳ Đại hội, với 3 giai đoạn, 3 mục tiêu chiến lược khác nhau: Nhiệm kỳ I (2005-2007) đặt mục tiêu thành lập Giáo hội, nhiệm kỳ II (2007-2012) với mục tiêu ổn định và hội nhập thì nhiệm kỳ III (2012-2017), nhiệm kỳ IV (2017-2022) là giai đoạn phát triển toàn diện vững chắc.
Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa quý vị Đại biểu!

12 năm ra đời và phát triển của Phật giáo Quảng Ninh là 12 năm đồng lòng và liên tục phấn đấu của toàn thể tăng ni, phật tử Quảng Ninh dưới sự chỉ đạo của Trung ương GHPGVN và sự giúp đỡ về mọi mặt của lãnh đạo các cấp. Trải qua 12 năm phát triển, Phật giáo Quảng Ninh đã thành tựu được những kết quả quan trọng sau đây:
1. Tăng ni, phật tử Quảng Ninh hòa hợp đoàn kết xây dựng Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh vững mạnh về mặt tổ chức, triển khai thành công xuất sắc các nhiệm vụ được giao. 
Phật giáo Quảng Ninh đã bám sát và triển khai công tác trọng tâm theo chương trình hoạt động phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam một cách xuyên suốt và hiệu quả. Nâng cao tính năng hoạt động của Ban Trị sự, kiện toàn tổ chức nhân sự với phương châm trẻ hóa và tri thức hóa. Tăng ni, phật tử ổn định, đoàn kết, hòa hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật và hiến chương Giáo hội. Kiện toàn, thành lập các Ban Trị sự Phật giáo các địa phương. Thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo hội: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. 
Tăng ni, phật tử Quảng Ninh luôn coi GHPGVN tỉnh Quảng Ninh là ngôi nhà chung của mọi người con Phật, hòa hợp, đoàn kết nhất tâm xây dựng Giáo hội và phong trào Phật giáo Quảng Ninh vững mạnh; Đồng thời với căn bản tu học vững chắc sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì sự phát triển của Phật giáo cả nước và đóng góp vào mọi phong trào chung của tỉnh nhà, với mục tiêu xây dựng Tịnh độ giữa nhân gian, xây dựng xã hội văn minh giàu đẹp.
2. Giáo hội và tăng ni, phật tử Quảng Ninh đã chủ động lập quy hoạch và kêu gọi nguồn công đức trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa - danh lam thắng cảnh Phật giáo góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh, thúc đẩy kinh tế du lịch - dịch vụ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. 
Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã tập trung kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiều dự án trùng tu tôn tạo, xây dựng tại khu di tích - danh thắng Yên Tử và hàng chục cơ sở thờ tự khác. Đặc biệt năm 2006 xây dựng thành công chùa Đồng tại đỉnh thiêng Yên Tử trọng lượng 70 tấn đồng. Năm 2009 xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nặng 138 tấn trở thành công trình kỳ vĩ tại non thiêng Yên Tử. Xây dựng đền - chùa Xã Tắc (Móng Cái), cột mốc văn hóa tâm linh của Tổ quốc. Hiện nay trên địa bàn Quảng Ninh vẫn còn tiếp tục triển khai hơn 10 dự án xây dựng trùng tu cơ sở thờ tự Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí trùng tu các cơ sở thờ tự Phật giáo trong tỉnh 12 năm qua lên tới gần 2.000 tỷ đổng.
 
3. Chỉ đạo và tổ chức tốt công tác An cư kết hạ, Giáo dục tăng ni, Hướng dẫn phật tử, đẩy mạnh công tác Hoằng pháp - Lợi sinh, đồng thời phối hợp với các cơ quan mở các lớp chuyên đề về chính sách tín ngưỡng tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, bồi dưỡng nâng cao kiến thức Quốc phòng An ninh trong tình hình mới.
Phật giáo Quảng Ninh thường xuyên tổ chức các khóa An cư kết hạ hàng năm tại 3 trường hạ cho tăng ni trong và ngoài tỉnh tu học. Thường xuyên mở các lớp chuyên đề cho tăng ni, phật tử. Khuyến khích, động viên tăng ni, phật tử tham gia các khóa học tại các trường Phật học và các trường của hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay trong tỉnh có hơn 50 tăng ni có trình độ Cử nhân và Cao học, 100 vị đang theo học hệ Cử nhân và Cao đẳng. 
Thường xuyên mở các lớp, các đạo tràng tu học thu hút hàng chục ngàn lượt phật tử tham gia. Nhờ công tác hoằng pháp, hướng dẫn phật tử được đẩy mạnh nên số lượng phật tử theo học ngày càng sôi nổi, góp phần bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chính tín. Tích cực tuyên truyền ánh sáng của đạo Phật và chính sách của Đảng, Nhà nước đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Ban Trị sự thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng - An ninh tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên mở các lớp chuyên đề, các hội nghị triển khai và phát động các phong trào ích nước lợi dân như: Phong trào giáo dục quốc phòng an ninh, phong trào tăng ni, phật tử bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa giao thông…
4. Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã chủ động hướng dẫn tăng ni, phật tử tập trung và phát huy những lễ nghi truyền thống, giảm thiểu những nghi lễ rườm rà không phù hợp với xã hội mới đóng góp vào sự bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 
Tổ chức tốt các nghi lễ lớn của Phật giáo, tạo tinh thần phấn khởi trong giới tăng ni, phật tử và nhân dân. Kết hợp với các địa phương tổ chức lễ cầu an, cầu siêu, thắp nến tri ân. Đặc biệt năm 2008 đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước; năm 2011 tổ chức trang nghiêm lễ hô thần nhập tượng tại đền thờ Xã Tắc - Móng Cái, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, trấn giữ biên giới của Tổ quốc được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự với tư cách là chủ lễ. 
Phối kết hợp với các cấp, các ngành các địa phương tổ chức tốt các lễ hội truyền thống … đón tiếp và phục vụ hơn 2 triệu lượt khách về hành hương, lễ Phật mỗi năm. Lễ hội xuân Yên Tử được đánh giá là một trong những lễ hội có quy mô và công tác tổ chức tốt nhất trong cả nước.
5. Ban Trị sự đã động viên tăng ni, phật tử phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc hoàn thành xuất sắc công tác an sinh xã hội như: Cứu trợ đồng bào lũ lụt, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, chất độc da cam, cứu trợ nhân đạo và ủng hộ nhiều quỹ khác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xây dựng hơn 100 nhà đại đoàn kết, nhà nghĩa tình cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh. 
Ủng hộ xây dựng một số trường học mầm non kiên cố, sắm sửa cơ sở vật chất một trường học khác tại vùng lũ Hương Khê – Hà Tĩnh trị giá 4 tỷ đồng. Ủng hộ kinh phí kéo điện lưới ra huyện đảo Cô Tô 2,4 tỷ đồng. Hỗ trợ công tác từ thiện xã hội tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi như: Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên hơn 5 tỷ đồng. Tổng kinh phí trong 12 năm qua ước đạt hơn 100 tỷ đồng.

6. Làm tốt công tác đối ngoại nhân dân góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam giàu đẹp và mến khách. Với tinh thần trách nhiệm chung đối với đất nước, tăng ni, phật tử Quảng Ninh luôn có những hoạt động tích cực nhằm đoàn kết, hữu nghị đối với khách quốc tế. 
Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã chủ động đặt mối quan hệ và cử đoàn thăm viếng Phật giáo Trung Quốc, Quảng Tây, Liên minh Phật giáo Lào, Hiệp hội Phật giáo Hàn Quốc… đồng thời giao lưu, đón tiếp, làm việc với hàng trăm phái đoàn quốc tế về thăm viếng, làm việc học hỏi với Quảng Ninh và Yên Tử. Qua đó góp phần vào việc ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.
7. Luôn luôn phát huy nội lực đẩy mạnh nguồn lực vật chất phục vụ đạo pháp và xã hội.
Các hoạt động lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước, thực hiện kinh tế tự túc tại các tự viện cũng đã được Ban Trị sự quan tâm, chỉ đạo tự tạo kinh tế, ổn định cuộc sống bằng sức lao động của chính mình. Việc tu học của tăng ni, phật tử được kết hợp hài hòa với lao động sản xuất, tạo ra những nhu cầu vật chất tối thiểu trong cuộc sống tu hành, đồng thời đề cao tiết kiệm để tham gia việc trùng tu tôn tạo các cơ sở tự viện xuống cấp và các hoạt động phúc lợi khác. 
Chỉ đạo, tổ chức và quan tâm động viên tăng ni, phật tử tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, phúc lợi tại địa phương; Chung tay góp sức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nếp sống văn minh nơi thờ tự, góp phần xây dựng thôn xóm bình yên, xã hội ổn định.
8. Luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoạt động vì sự ổn định và phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia hoạt động phật sự ích đạo, lợi đời. Nhiều vị tăng ni tỉnh Quảng Ninh đã tham gia các tổ chức như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội Chữ Thập đỏ, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam… góp phần củng cố chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, tạo sự đồng thuận xã hội, góp sức to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, là do chính tự thân vận động của tăng ni, phật tử toàn tỉnh. Đặc biệt là sự điều hành của Ban Trị sự, Thường trực Ban Trị sự đã khách quan, minh bạch, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống đã đặt mối quan hệ vững chắc, niềm tin sâu sắc với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh, tạo môi trường sinh hoạt đạo - đời hài hòa: “Ở đời vui đạo, ở đạo lo cho đời”. 
Tạo một nhận thức mới, biết chia sẻ chăm sóc cho đời cũng là lo cho đạo, biết làm tốt việc đạo thì cũng là lo cho nước, cho dân, lo cho Đảng và chính quyền. Thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội” mà Giáo hội đề ra. Ghi nhận những thành tựu của Phật giáo Quảng Ninh trong 12 năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Trung ương GHPGVN đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 và nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Kỷ niệm chương, Bằng tuyên dương công đức, Bằng khen, Giấy khen. Đây là món quà vô giá, động viên kịp thời để Phật giáo Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa quý vị Đại biểu!

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra phong trào Phật giáo Quảng Ninh vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Phong trào phát triển chưa đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, Phật giáo chưa bám rễ và phát triển được vào vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; Tâm lý ngại va chạm của một số đông tăng ni và đặc biệt là chưa có kế hoạch chiến lược dài hơi để hiện đại hóa Phật giáo phù hợp với thời đại, một số tăng ni, phật tử còn có tư tưởng phân chia tông môn, hệ phái.
Để làm tốt hơn nữa phương châm Đạo pháp và Dân tộc, đưa Phật giáo Quảng Ninh phát triển vững mạnh, hội nhập thời đại, thời gian tới Phật giáo Quảng Ninh đặt trọng tâm vào những định hướng cơ bản sau đây:
- Một là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo tăng tài tạo nguồn lực chất lượng cao để phục vụ Đạo pháp và Dân tộc. Chú trọng hơn nữa việc hướng dẫn phật tử và nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống Đạo pháp, Dân tộc và những tư tưởng nhân văn của Phật giáo; Tạo nền tảng đạo đức vững chắc cho xã hội. Có kế hoạch xây dựng trường đào tạo Phật giáo cho tăng ni trong tỉnh.
- Hai là tập trung tâm sức và trí tuệ, kêu gọi nguồn lực xây dựng khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và khu di tích danh thắng Yên Tử; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh các hoạt động đạo pháp tại đây, tạo động lực phục hồi và phát triển tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác trùng tu, xây dựng các cơ sở thờ tự Phật giáo trong toàn tỉnh.
- Ba là động viên tăng ni trẻ có căn bản tu học vững chắc xung phong ra vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo Hoằng pháp - Lợi sinh để giữ Dân, giữ Nước, giữ Đạo. Muốn vậy Phật giáo Quảng Ninh tập trung những nội dung cơ bản sau đây:
+ Thứ nhất nêu cao truyền thống lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha coi GHPGVN tỉnh Quảng Ninh là ngôi nhà chung của toàn thể tăng ni và phật tử; Xây dựng các chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo mà còn là trung tâm văn hóa, trung tâm đoàn kết của toàn dân.
+ Thứ hai bản thân tăng ni, phật tử phải thực tâm tu học tạo niềm tin vững chắc cho phật tử và xã hội tin tưởng.
+ Thứ ba tăng ni, phật tử Quảng Ninh phải luôn gắn bó với Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, các địa phương, đoàn kết các tôn giáo bạn, các tầng lớp nhân dân; Tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng một xã hội thuần mỹ, chí thiện, văn minh và hạnh phúc.
Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa quý vị Đại biểu!

Nhân dịp Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của TƯ GHPGVN; Sự giúp đỡ nhiệt thành và sự ủng hộ chí tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành các cấp. Sự giúp đỡ, ủng hộ, trợ duyên của đông đảo tăng ni, phật tử và nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí của tập thể Ban Trị sự và toàn thể tăng ni, phật tử tỉnh Quảng Ninh đã gia công xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN tỉnh Quảng Ninh được như ngày hôm nay.
Phật giáo Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng Giáo hội và Dân tộc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Với niềm tin ấy sẽ là động lực để chúng ta cùng nhau tinh tiến tu học và trưởng thành, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhà nước, Giáo hội và xã hội.
Kính chúc chư Tôn đức vô lượng công đức, vạn sự cát tường!
Kính chúc Quý Đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng!
Chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành công viên mãn!
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 

Tin cùng chuyên mục