Trúc Lâm Yên Tử trường tồn sức xuân



TLYT - “Làm vua giúp được trăm họ, làm Phật cứu độ muôn loài”, với tư tưởng ấy, Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi xuất gia tu Phật, Ngài đã cùng quân dân Đại Việt thực hiện thành công 2 cuộc chống giặc Nguyên - Mông vĩ đại (1285, 1288) để giành lại giang sơn gấm vóc cho dân tộc. Tháng 10 năm 1299, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông vào Yên Tử tu Phật; và sau đó, Ngài đã thống nhất các thiền phái đã được du nhập từ trước đó. Với tinh thần nhập thế tích cực, viên dung giữa đời và đạo, dòng thiền này đã hun đúc lên ý chí mãnh liệt cho quân dân Đại Việt đánh tan những cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông. Và đến nay, các học giả Phật giáo khi tìm hiểu nghiên cứu dòng thiền này cho rằng đây là dòng thiền “biện tâm”.

Mùa thu về Yên Tử , đi bạn!
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử. Ảnh: Chùa Yên Tử

Trải qua gần 8 thế kỉ, dòng Thiền nhập thế Trúc Lâm Yên Tử vẫn luôn ẩn chứa những điều vi diệu. Hướng về Non thiêng Yên Tử nhân mùa lễ hội xuân truyền thống (mùng 10 tháng Giêng) tuy lễ hội năm nay không tổ chức bởi đại dịch Covid-19, nhưng với người con Việt và Phật tử chúng ta luôn hướng lòng về Đất Tổ, và coi đây là nén tâm hương kính dâng lên Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 
Huệ Quang Kim Tháp thờ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Vườn Tháp, chùa Hoa Yên

 Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu, xin chân thành gửi tới các Phật tử và bạn đọc xa gần chùm thơ viết về non thiêng Yên Tử nơi ra đời Thiền Phái Trúc Lâm như một lời nhắc nhở:

1.      Rừng trúc

Về Yên Tử ngắm rừng trúc nhớ Trúc Lâm

Hoa Yên ánh trăng vàng nghiêng sáo trúc (1)

Dốc ngược cao sơn non thiêng chùa mưa pháp

Gặp tiếng người hòa tiếng trúc rộn câu kinh.

 

2.      Cửa Phật

Tắm ở nơi này và Cầm thực (2) cũng từ đây

Đức vua cởi bỏ áo long bào vào cửa Phật

Giây phút ấy ai hay ngàn lau bay lất phất

Để bây giờ, Trúc Lâm thiền phái mãi thành tên.

 

3.      Chùa Đồng

Đến Chùa Đồng, Suối Tắm chửa nguôi quên

Đã bắt gặp tiếng chuông ngân đồng vọng

Thắp nén nhang tâm thành hoài vọng

Bỗng gặp sắc mây vàng, thắp sáng ở Ngọa Vân (3)

 

4.      Pháp Thiền riêng

Thống nhất mọi phái thiền du nhập vào Đất Việt

“Cư trần lạc đạo” thả tùy duyên

Phái thiền nhập thế - thiền Thanh tịnh

Giải thoát luân hồi, Trúc Lâm Yên Tử pháp thiền riêng.

 

5.       Trước tượng An Kỳ Sinh (4)

Thương kiếp phù sinh tìm trong ngàn lá

Hái thuốc tu tiên non thiêng rừng lạ

Đất với người duyên chi mà tạo quả?

Để níu chân người - hồn hóa đá nơi đây.            

 
 
Tượng đá An Kì Sinh. Ảnh: Chùa Yên Tử 

Xuân Tân Sửu 2021

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh

Chú thích:

(1) Dựa theo ý câu thơ của Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông

(2) Suối Tắm, Cầm Thực là 2 ngôi chùa được đặt tên sau khi Trần Nhân Tông đến Yên Tử xuất gia tu Phật ở đây.

(3) Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt.

(4)  An Kỳ Sinh: tương truyền đạo sĩ người phương Bắc đến Yên Tử tu tiên, bào chế linh đan dược, sau khi chết hóa thành măng đá tại đây.