TƯ TƯỞNG BÁT NHÃ TRONG THIỀN HỌC CỦA THIỀN SƯ PHÁP LOA



Dẫn nhập

Tư tưởng Bát Nhã là cốt tủy của văn hóa Phật giáo. Tư tưởng này có từ trước khi Đại thừa Phật giáo ra đời và nằm rải rác trong các kinh điển A Hàm, kinh điển Nikaya. Bát Nhã còn được gọi là “Mẹ của chư kinh”.

Ở Việt Nam thế kỉ thứ III (Giao Châu xưa), thiền sư Khương Tăng Hội đã từng dịch tiểu phẩm Bát nhã, cùng với nền tảng tâm học và sự xuất hiện của một số phẩm của kinh Hoa Nghiêm, bắt đầu có khuynh hướng đại thừa hóa thiền học nguyên thủy. Thế kỉ thứ VI, dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi du nhập vào Việt Nam với khuynh hướng Bát Nhã rất rõ rệt và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tư tưởng thiền học nước ta. Thế kỉ thứ IX, dòng thiền Vô Ngôn Thông được truyền vào cũng chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng Bát Nhã. Các thiền sư lớn của đất nước thời kì vận động, xây dựng và củng cố nền độc lập đã dựa trên triết lý tư tưởng vô trụ, vô chấp của hệ tư tưởng Bát Nhã để hành động, hết lòng cho đạo pháp và dân tộc. Sang thời Lý, tư tưởng Bát Nhã lại càng rõ rệt trong tư tưởng, hành động và các tác phẩm để lại của các thiền sư.

Thời Trần, hệ tư tưởng Bát Nhã cùng với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là suối nguồn cho tư tưởng văn hóa Phật giáo thời kì này. Các nhà tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đều ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Bát Nhã. Đệ nhị Tổ Pháp Loa cũng vậy.

Tư tưởng thiền học của thiền sư Pháp Loa được thể hiện qua cuộc đời hành động và trong các tác phẩm Ngài để lại, dù hiện nay chỉ còn lại Thiền đạo yếu học, ảnh hưởng tư tưởng Bát Nhã vẫn rất rõ nét. Qua đó, người viết muốn tìm hiểu sâu hơn tư tưởng Bát Nhã trong thiền học của thiền sư Pháp Loa, để phần nào hiểu triết lý hành động của Ngài và cuộc đời cống hiến dựa trên nền tảng của tư tưởng.

1.      Hành trạng

Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), theo Tam Tổ Thực Lục thì sư sinh giờ Mão, ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, bên bờ sông Nam Sách. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Mẹ của thiền sư mang thai sau một đêm nằm mộng với điềm báo rất lạ. Do sinh liên tiếp 8 người con gái nên bà có ý hủy thai nhi, nhưng uống thuốc phá thai đến 4 lần vẫn không thực hiện được ý định, do vậy lúc sinh ra bèn đặt tên là Kiên Cương.

 
Bức tranh Tam Tổ Trúc Lâm trong Tam Tổ Thực Lục 

Pháp Loa sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Từ bé đã có tư chất thông minh, thiên tư dĩnh ngộ, không nói lời ác, không ăn chất cay nồng và thịt cá. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), người trai trẻ 21 tuổi gặp Trần Nhân Tông Điều Ngự du hóa qua Nam Sách liền xin xuất gia. Thấy dung mạo khác thường, Trúc Lâm tự bảo “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí[1] nên thu nhận và đặt tên là Thiện Lai. Thiện Lai được thế phát ở liêu Kì Lân, núi Linh Sơn và được gửi đến tham học với hòa thượng Tính Giác. Tại đây, sư tập trung tham cứu Kinh Lăng Nghiêm, một hôm đến đoạn “Bảy lần gạn hỏi tâm, cuối cùng đến ví dụ khách trần” (Thất xứ trưng tâm, hậu khách trần dụ) thì tâm tư có chỗ sở ngộ. Lần thứ 2 khi nghe Điều Ngự thượng đường và đọc bài kệ Thái dương ô kê thì tâm tư chợt tỉnh. Lần thứ 3 khi trình ba bài tụng cốt yếu đều bị Điều Ngự sổ toẹt, thưa hỏi đến 4 lần Điều Ngự vẫn bảo phải tự tham cứu lấy, khi trở về phòng tự mình nỗ lực tham thiền, đến nửa đêm nhân thấy hoa đèn rơi thì hoát nhiên đại ngộ. Năm 1305 được Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh văn và Bồ Tát, được ban hiệu Pháp Loa. Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Pháp Loa được Trúc Lâm Điều Ngự truyền Tổ vị, làm tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm, bắt đầu cho chuỗi những ngày tích cực dấn thân vì đạo, vì đời.

2.      Tác phẩm của thiền sư Pháp Loa

Pháp Loa chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên soạn nhiều nghi thức như:

-         Thạch Thất Mị Ngữ Niêm Tụng: viết năm 1308, là niêm tụng (những lời nhận xét và kệ tụng) cho quyển Thạch Thất Mị Ngữ của Trúc Lâm sơ tổ.

-         Tham Thiền Yếu Chỉ: viết năm 1322, trình bày yếu chỉ của việc tham thiền.

-         Soạn Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Khoa Chú.

-         Xem bản ấn hành, sửa chữa Niết Bàn Đại Kinh Khoa Sớ, Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ.

-         San định Lăng Già Tứ Quyển Khoa Sớ.

-         Soạn, diễn nghĩa, sửa chữa Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ.

-         Soạn Pháp Sự Khoa Văn (các khoa nghi, sớ điệp dùng trong các pháp sự, nghi lễ Phật giáo); Độ Môn Trợ Thành Tập (các nghi thức cúng đàn chẩn tế).

-          Soạn Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Qũy cho vua Minh Tông.

-         Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục: Biên tập những thiền ngữ, thi tụng của Tuệ Trung.

-         Viết lời bạt cho Đại tạng kinh đời Trần, năm 1321.

Các tác phẩm trên hầu hết đều đã mất, chỉ còn lại một ít phần rời rạc có lẽ thuộc cuốn Tham Thiền Yếu Chỉ được gom lại thành Thiền Đạo Yếu Học được ghi ở Tam Tổ Thực Lục, gồm các phần: 1. Lời khuyên người xuất gia tiến tu đạo nghiệp (Khuyến xuất gia tấn đạo ngôn), 2. Buổi khai đường thuyết pháp của Trúc Lâm Đại Tôn giả (Trúc Lâm Đại Tôn giả thượng tòa thỉnh sư thị chúng), 3. Nói rộng về Tam học thượng thừa để khuyên chúng (Thượng thừa Tam học khuyến chúng phổ thuyết), 4. Những điều cốt yếu của thiền Đại thừa (Đại thừa yếu thuyết), 5. Phải am tường học thuật (Yếu minh học thuật). Trong các phần trên thì Thượng thừa Tam học khuyến chúng phổ thuyết thể hiện rõ nét tư tưởng thiền học của Pháp Loa.

Ngoài ra, thiền sư sáng tác một số thơ, kệ tụng, nay chỉ còn lại 3 bài. Đó là Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ được tìm thấy trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Lưu luyến cảnh núi xanh (Nhập tục tuyền thanh sơn) được chép trong Toàn Việt Thi LụcKệ thị tịch được chép trong Tam Tổ Thực Lục. Qua thơ văn và kệ tụng, phổ thuyết của Pháp Loa cho thấy nội dung thiền học của Ngài dạy chúng bắt đầu bằng việc khuyến cáo mọi người tu học để “thấy tính”, hướng đến Tịnh giới Đại thừa, an trú trong Định và bừng sáng trí tuệ, giải thoát.

3.                       Tư tưởng Bát Nhã trong thiền học của thiền sư Pháp Loa

Trước hết ta cần hiểu khái lược về hệ tư tưởng Bát Nhã. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn khoảng hơn 100 năm, do sự nhận thức và lý giải khác nhau về giáo lý, giáo quy và giáo nghĩa, Phật giáo bắt đầu phân chia bộ phái. Mới đầu chia 2 bộ (Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ), sau này phân ra đến 18, 20, hoặc 24 bộ phái, có phái bảo thủ, có phái tiến bộ. Từ những bộ phái có tư tưởng tiến bộ, tư tưởng Đại thừa bắt đầu xuất hiện. Trong các bộ phái đó có phái chấp “hữu”, có phái kẹt vào “vô”. Tư tưởng Bát Nhã ra đời đã níu lại hai thái độ cực đoan này. Bát Nhã xiển dương tư tưởng “tính không”, nhưng trong “tính không” có cả 2 phương diện “chân không” và diệu hữu”, nên “sắc chẳng khác không” mà “không chẳng khác sắc”. Daisetz Teitaro Suzuki đã ghi nhận trong Thiền Luận: “Dẫn tất cả hiện hữu sai biệt trở về tánh không là thành tựu vĩ đại của kinh điển Bát nhã...”[2]

Bát nhã, Hán là , tiếng Phạn là Prajñā, cũng gọi ba nhã, bát la nhã, bát lạt nhã. Dịch ý là tuệ, trí tuệ, minh... Trong Phật giáo Đại thừa, khi dùng từ Bát Nhã phải hiểu đó là Bát Nhã Ba La Mật. Tức là trí tuệ chân thực nhờ tu tập chính đạo và các ba la mật mà đạt được. Trí tuệ cao sâu, thấy suốt hết thảy sự vật và đạo lý, thì gọi là Bát nhã. Để đạt đến chỗ cùng tột rốt ráo và trọn vẹn, Bồ tát phải tu sáu hạnh, gọi là sáu ba la mật (Lục độ Ba la mật). Trong đó, Bát nhã ba la mật (trí tuệ ba la mật), được coi là mẹ của chư Phật và chư Bồ Tát, trở thành căn cứ cho năm ba la mật kia và chiếm địa vị trọng yếu nhất.

Bát Nhã, nói về chủng loại, có khi chia 2, hoặc 3, hoặc 5 loại. Hai loại thì có Cộng Bát nhã Bất cộng Bát nhã; Thực tướng Bát nhã Quán chiếu Bát nhã; Thế gian Bát nhã Xuất thế gian Bát nhã. Ba loại thì gồm Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã Thực tướng Bát nhã. Năm loại Bát nhã thì thêm Cảnh giới Bát nhã Quyến thuộc Bát nhã vào Thực tướng, Quán chiếu Văn tự Bát nhã.

Hệ thống Bát Nhã chiếm số lượng lớn nhất trong Đại Tạng kinh với 600 quyển và 125.000 bài tụng. Trong 600 quyển Bát Nhã thì Kinh Kim Cương là một trong số đó, rất ngắn gọn nhưng tất cả những mệnh đề lớn nhất của bộ Đại Bát Nhã đều chứa đựng trong nó. Kinh Kim Cương là tổng hợp then chốt của bộ Đại Bát Nhã, còn Tâm Kinh với vẻn vẹn 260 chữ là đại ý của bộ Đại Bát Nhã. Khi hệ thống Bát Nhã của Đại thừa Phật giáo phát triển lên đến cực độ, có khi trở nên cực đoan, phủ nhận tất cả đều Không, lúc này Long Thọ xuất hiện. Biện chứng pháp của Long Thọ là một loại lý luận siêu tuyệt có công năng phá vỡ mọi phạm trù khái niệm để thực tại được hiển bày. Long Thọ biết thừa hưởng không gian khoáng đạt của tư tưởng Phật giáo Đại thừa và khám phá những viên bảo châu bị chôn lấp trong nền văn học Nikàya, loại bỏ được cái nhìn nhị nguyên để tiếp xúc với thực tại, một thứ thực tại bất khả đắc với những ai còn kẹt vào các phạm trù của khái niệm: hữu - vô, sinh - diệt, sinh tử - giải thoát, thường – đoạn, khứ - lai… Và Trung Quán luận của Long Thọ làm hoàn thiện hơn cho hệ thống Bát Nhã. Thực tế Bát Nhã vẫn chú trọng hơn về Tính không, mặc dù ta biết rằng trong cái “tính không” ấy đã hàm chứa cả “chân không” và “diệu hữu”, nhưng phương diện “diệu hữu” được triển khai trong các kinh Bát Nhã vẫn chưa thực sự trọn vẹn như thế giới diệu hữu trong kinh Hoa Nghiêm. Đến Trung Quán luận của Long Thọ với lý luận Bát bất, Duyên khởi tính không, tam quán Không – Giả - Trung… ta thấy hệ tư tưởng Bát Nhã – Trung Quán trở nên hoàn thiện hơn.

Một số nội dung chính bao quát tư tưởng Bát nhã học đó là quan niệm Vô phân biệt, Tính không, Duyên khởi tính không, Trung đạo, Nhị đế luận, Phương pháp tư duy của hình thái phủ định, Thực tướng Niết bàn của Trung quán phái

Tư tưởng Bát nhã trong thiền học của thiền sư Pháp Loa thể hiện ở một số điểm chính sau:

3.1.           Tự tính Bát Nhã

Pháp Loa cho rằng, là người học Phật, trước tiên cần nhận thức được tự tính Bát Nhã nơi mình, gọi là “Kiến tính”. Đây là truyền thống Thiền thượng thừa mà Pháp Loa đã tiếp nhận từ Trúc Lâm và chư vị tổ sư. Thiền Thượng thừa là một trong 5 loại thiền[3], thiền này truyền từ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na trải qua vô số kiếp đến đức Phật Thích Ca, truyền tiếp xuống 28 vị tổ sư Ấn Độ, 6 vị tổ Trung Hoa, tổ truyền tổ nối, truyền khắp bốn phương. Lục tổ Huệ Năng – người xác lập thiền Đốn giáo phương Nam, được quần chúng ủng hộ, đưa Thiền tông Trung Hoa bước vào thời kì phát triển. Sau Huệ Năng, Thiền tông Trung Hoa phát triển thành năm phái Thiền là Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Những nhà Thiền học thời Lý - Trần của Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tư tưởng của Thiền tông Trung Hoa thông qua sự hoằng truyền của các thiền sư nước này sang Đại Việt và sự giao lưu văn hóa của hai nước.

Tự tính Bát Nhã, hay Thực tướng Bát Nhã, Thiền tông gọi là “tính”, cũng gọi là “giác tính”, “bản tính”, “bản lai diện mục”, Kinh Pháp Hoa gọi là “Phật tính”… Trúc Lâm sơ tổ trong Cư trần lạc đạo phú gọi là “tính sáng”, “thực tướng Kim Cương”, “lòng mầu Viên Giác”, Trần Thái Tông trong Tựa Kim Cương Tam Muội chú giải gọi là “tự tính Kim Cương”… Lúc Huệ Năng nghe Ngũ Tổ thuyết kinh Kim Cương đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” liền đại ngộ và thốt lên rằng:

Đâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh

Đâu ngờ tự tính vốn không sinh diệt

Đâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ

Đâu ngờ tự tính vốn không động dao

Đâu ngờ tự tính năng sinh muôn pháp.”[4]

Và pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật được Lục tổ diễn giảng trong Pháp Bảo Đàn Kinh nằm trọn trong tự tính, đó là Thực tướng Bát Nhã.

Trần Thái Tông trong bài tựa Kim Cương Tam Muội chú giải, vua viết: “Bản tính huyền ngưng, chân tâm trong lặng, khuyết tròn đều dứt, nếu không phải do thánh trí thì sao tìm được mối manh. Tan hợp đều quên, mắt thấy tai nghe không thể tìm được hình bóng. Hữu vô nắm được, đạo tục san bằng, sừng sững riêng mình, siêu việt có một. Đó là dòng sông trọng yếu của tự tính Kim Cương.”[5] Trúc Lâm sơ tổ thì nói:“bản tính sáng trong ngưng đọng, không có thiện, không có ác… Phàm thánh vốn chung một lối, phải trái đâu được phân chia. Cho nên biết rằng tội phúc vốn không, rốt cuộc nhân quả chẳng thực.”[6]

Còn Pháp Loa nói: “Người học Phật, trước tiên cần “kiến Tính” (Thấy Tính). Thấy tính, không phải là thấy những cái có thể thấy, mà là thấy những cái không thể thấy. Cho nên thấy được cái thấy không thể thấy (phi kiến) thì chân tính hiện ra. Tính thấy là “vô sinh” mà cái thấy sinh cũng “phi hữu”. Cái tính “phi hữu” là thật mà cái thấy chân thật thì không thay đổi, cho nên gọi là “chân thật kiến tính.”[7]

Tuy lối diễn đạt có khác, nhưng bản chất không khác. Tính sáng ấy thanh tịnh, tròn đầy, bình đẳng nơi mỗi người. Chẳng phải ở bậc thánh thì tăng thêm còn ở kẻ phàm thì giảm bớt. Cái “tính” ấy vượt thoát ý niệm về Đạo – Đời, Sinh - Diệt, Hữu – Vô, Tròn – Khuyết, nên gọi là trí Bát Nhã. “Thấy tính, nhưng thấy tính không phải là thấy những cái có thể thấy, mà là thấy những cái không thể thấy. Nếu thấy được cái thấy không thể thấy (phi kiến) thì chân tính hiện ra”. Ta có con mắt sáng, ta có thể nhìn thấy cây, cỏ, núi, sông, vạn hữu bên ngoài với những tướng trạng cụ thể. Con mắt sáng có thể nhìn được rất nhiều thứ, nhưng con mắt lại không thể nhìn được chính nó nếu không có cái gương sáng để soi. Cũng vậy, ta thấy rất nhiều thứ, nhưng lại không thấy được chính cái “tính thấy” của mình nếu không có người khai mở, chỉ điểm. Con mắt thì còn có hình, có tướng. Nhưng “tính” thì không hình, không tướng, “vô sinh”, “phi hữu”, “bất khả đắc”, cũng “bất khả tư nghì”, vậy làm sao mà thấy. Pháp Loa nói phải thấy được “cái không thể thấy” ấy mới gọi là thấy thực sự. Để đạt được cái thấy ấy cần con mắt tuệ, con mắt quán chiếu chứ không phải con mắt thịt. Quán chiếu để thấy được tự tính Bát nhã, trí tuệ sáng suốt ngay nơi bản tâm của mình. Từ đó, dù làm gì đi chăng nữa cũng phải xoay vào tự tính, trở về nội tâm tu tập, tự tin vào chính mình, không vọng cầu bên ngoài, lấy trí Bát Nhã đó mà soi sáng cho Bố thí, Trì giới, Tinh tiến, Nhẫn nhục và Thiền định. Đó là sức mạnh nội lực mà Phật giáo Thiền tông Đại Việt chủ trương khai phá dưới tuệ giác của Bát Nhã và Pháp Hoa. Pháp Loa tiếp nối các nhà lãnh đạo thiền phái, xác lập hướng khai phóng, phát triển sức mạnh và trí tuệ bên trong con người và trong lòng dân tộc để xây dựng đạo pháp và phát triển đất nước.

3.2.           Tính không và quan niệm Vô phân biệt

Pháp Loa nói “Yếu chỉ của thiền định là trước phải định tâm, thường tự suy nghĩ: Thân này từ đâu tới, Tâm này từ đâu có? Tâm không thể có thì do đâu có thân? Thân tâm đều không, thì pháp từ đâu có? Pháp không thực có, vì không có cái có. Cái có là chẳng phải có mà có thì cái có làm sao có được? Cái có đã là không thì không có pháp có. Pháp là bắt chước cái chẳng phải pháp thì pháp dựa vào đâu? Không nương không dựa nên pháp vốn chẳng phải pháp. Pháp này không thật, nhưng cũng không phải không thật.”[8] Ta thấy một số khái niệm mà Pháp Loa đưa ra: “tâm không”, “thân không”, “pháp không”, “pháp vốn chẳng phải pháp”, “không thật, nhưng cũng không phải không thật”…

Chữ “tâm” trong đoạn văn Pháp Loa nói là chỉ vọng tâm, hay cái tâm vọng tưởng trần lao, cho nên cần phải “định” chứ không phải là chân tâm, bản tính vốn trong lặng, không sinh không diệt, không thêm không bớt. Cái tâm vọng tưởng trần lao ấy nhìn cho kĩ thì thấy nó không thật có. Những buồn, giận, mừng, vui, ghét ghen… khởi lên khi 6 căn tiếp xúc 6 trần, do đối cảnh mà sinh tâm. Nếu ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn thì đó là định. Trong định thì tâm vọng tưởng không khởi lên, cho nên bản chất nó không thật có, khi còn, khi mất, nương duyên mà hiện.

“Thân” là chỉ cho sắc thân vật chất, hình hài này, ta vẫn gọi là thân tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong). Thân tứ đại này do nhân duyên hòa hợp mà có, đó là tinh cha, huyết mẹ, nghiệp thức và các điều kiện khác. Theo giáo lý kinh Kim Cương thì cái A được làm từ những cái không phải là A. Thân này được làm từ những yếu tố không phải là thân, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương… chia chẽ ra thì từng món đó cái gì là thân này? Hơn nữa, thân còn được làm từ thức ăn, nước uống, không khí… nếu không có thức ăn thì làm sao nuôi thân được, không có không khí để thở thì ta chết, và thân sẽ tan hoại… Cho nên thân không có tự thể, không có tự tính, do các nhân duyên hòa hợp mà có, nhân duyên bất hòa thì thân này ẩn tàng.

Con người có 2 phần là thân và tâm, là hợp thể của Ngũ uẩn, gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Trong đó, Sắc chỉ cho phần hình hài vật chất, còn Thọ, Tưởng, Hành, Thức chỉ cho phần tâm lý, tinh thần. Tâm kinh nói “Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Kinh Bát Nhã nói: “Cái được gọi là sắc, thụ, tưởng, hành, thức… tất cả đều do các pháp hòa hợp mà thành, đều là giả danh. Con người lấy danh chấp thủ tướng, nên gọi nó là danh… Mọi khái niệm chúng sinh cũng đều là danh, chỉ có cái danh không thực có, sinh ra từ trong tư duy tưởng niệm, phân biệt vọng tưởng. Các ông chớ chấp trước vào các tư duy hư vọng đó. Vốn dĩ đều là Không, tự tính vốn Không nên bậc trí giả không được chấp trước.”[9]

Ngũ uẩn bản chất đã là không, thân và tâm đều không thì pháp do đâu mà có? “Pháp” là những sự vật, hiện tượng. Cái bàn là một pháp, cũng là một danh, nhưng cái bàn không tự nó mà có. Nhìn sâu vào cái bàn ta thấy nó được làm từ những yếu tố không phải cái bàn: gỗ, nước sơn, đinh, người thợ mộc… Cho nên cái bàn vốn không có tự tính, không có tự thể, nó là giả danh, cái tên gán cho nó chỉ tạm gọi để phân biệt. Xét tiếp các yếu tố làm nên cái bàn, như gỗ. Gỗ có là nhờ có cái cây, nhờ có đất, nước, không khí… Nên gỗ cũng không có tự thể, cũng là giả danh. Vì vậy mà “bản mạt giai vô” – tất cả đều không (có tự tính) là vậy. Tất cả đều không, cho nên chớ có phân biệt, chấp trước.

Duy Thức học chia sự vật hiện tượng ra 100 pháp, trong đó thì thân, tâm và các pháp mà Pháp Loa nói trong đoạn trên đều thuộc trong 100 pháp. Tám thức thuộc về Tâm pháp, nó 51 món tâm sở lệ thuộc. Sông, núi, bàn, ghế, mắt, mũi… là Sắc pháp. Ngoài Tâm phápSắc pháp còn những cái không thuộc về tâm mà cũng không thuộc về sắc như hơn, thua, còn, mất… đó là Tâm bất tương ưng hành pháp. Ngoài ra còn Vô vi pháp, là những pháp không sinh diệt, “chân như” chẳng hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là ví dụ. Dưới tư tưởng Kim Cương Bát Nhã, quan niệm về chân như cũng được tạo nên từ những cái không phải là chân như (phi chân như). Sở dĩ có khái niệm chân như, là vì có những khái niệm phi chân như. Chính những ý niệm phi chân như đã sinh ra chân như. Có tay trái thì có tay phải. Có thường thì có vô thường. Đó là luật tương đối. Trong định nghĩa thông thường nói pháp là “nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải”, tức là những hiện tượng duy trì được đặc tính riêng của nó làm cho mình không nhầm lẫn với cái khác. Nhưng theo biện chứng của Bát nhã, nhìn vào một pháp mà thấy được những cái không phải là pháp (phi pháp) mới là thấy được pháp đó. Nếu “pháp” là một khái niệm, thì “phi pháp” cũng là một khái niệm. Nên đã không kẹt vào “pháp” thì cũng chớ kẹt vào “phi pháp”. Pháp Loa đã hiểu rất rõ tính biện chứng và phá tướng triệt để của Bát Nhã nên nói “Pháp là bắt chước cái chẳng phải pháp thì pháp dựa vào đâu? Không nương không dựa nên pháp vốn chẳng phải pháp”.

Biện chứng Bát Nhã –Trung Quán thấy các pháp là “không”, nhưng là không có tự tính, do duyên mà có, nên “sắc chính thực là không, không chính thực là sắc”, do đó ta cần nhận thức sự vật bằng hai mặt của nó, chớ phân biệt nhị nguyên. “Không” và “Sắc”- hai góc độ tưởng như đối lập nhau nhưng lại thống nhất nhau: Bát nhã tính không Phương tiện giả hữu. Nhìn sự vật ở khía cạnh bản chất thì đó là Bát nhã, vốn là Không, Vô tính. Nhưng ở khía cạnh hiện tượng nó là Hữu nhưng là “Giả hữu”, Kinh Kim cương gọi là “Huyễn hữu” chứ không phải thực hữu, nó có đó nhưng là giả tướng, tạm bợ, ta không làm chủ được nó, chứ không phải là không có gì. Nên cái “Không” chân thực trong Bát nhã rất màu nhiệm, gọi là “Chân không”. Vì nó rất màu nhiệm, “Không” mà không phải là “Không” nên cũng là “Diệu hữu”. Trí tuệ Bát nhã trên bình diện Chân đế thì thấy “không nhơ không sạch” nhưng ở Tục đế thì bỏ nắm rác bẩn vào nồi canh ta không thể ăn được, vì nhơ là nhơ, sạch là sạch, rác là rác, hoa là hoa nhận biết rạch ròi… Cho nên chớ để cho tâm phân biệt, hay chấp ngã, chấp pháp trói buộc, tháo tung cánh cửa duyên sinh, cánh cửa “Không”, cánh cửa “Vô tướng” chân thực. Đó là trí tuệ Bát nhã.

3.3.           Bất nhị

“Bất nhị” là “không hai”, nghĩa là không kẹt vào hai thái cực, nhị nguyên, hoặc Có – Không, hoặc Đời – Đạo, hoặc Sinh tử  - Giải thoát, Tục đế - Chân đế, Phương tiện – Cứu cánh… Tư tưởng Bất nhị được nhấn mạnh trong kinh Duy Ma Cật xuất phát từ lý luận Nhị đế, vốn là nội dung quan trọng trong hệ tư tưởng Bát Nhã. Tư tưởng Nhị đế có từ trước khi Phật giáo Đại thừa ra đời, nhưng đến thời của Bát Nhã kinh và Trung Quán phái mới phát triển mạnh mẽ. Nhị đế là hai loại sự thật: Chân đế và Tục đế (thế đế), hay sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối…

Trung Quán dựa vào Chân đế mà nói Không, dựa vào Tục đế mà nói Hữu (Giả hữu). Rời Tục đế mà tìm Chân đế thì không thể thấy, phải từ trong sinh tử mới tìm được giải thoát.  Lục Tổ Huệ Năng đã nói rất hay “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”. Cho nên Nhị đế là hai mặt dung thông nằm trong một chỉnh thể thống nhất, khuyết một không được. Cũng như ta không thể lấy mặt trái hay mặt phải của một tờ giấy riêng rẽ ra. Đó cũng là Trung đạo. Trung đạo tuy nhận thức là chính, nhưng không thể chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải đi tiếp con đường “Bất nhị”, đưa tư tưởng, nhận thức vào cuộc sống. “Bất nhị” cũng thống nhất với tư tưởng “Vô phân biệt” hay “Tính không” (Chân không Diệu hữu”. Các vị lãnh đạo của thiền phái Trúc Lâm, trong đó có Pháp Loa đã áp dụng tư tưởng Bất nhị, không rời thế đế mà cầu chân đế. Nên ăn cơm, uống nước, làm việc… cũng đều là tu. Từ đó mà cống hiến hết mình bằng nhiều phương tiện, làm tất cả mọi việc có thể bằng khả năng của mình, tuy là bận rộn, mệt nhọc nhưng lại không thấy mình bận rộn, mệt nhọc mà vẫn an trụ trong thiền tâm nhàn nhã.

Pháp Loa nói: “Trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn. Mắt không bị thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài; thức không bị cảnh lôi kéo mà hướng vào trong. Ra vào không giao tiếp nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ.[10]

            “Ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn” cũng gần như cách nói về thiền định đích thực của Lục tổ Huệ Năng trong Đàn kinh: “ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. “Ngoài dứt các duyên” không phải là không làm gì hết, để sáu căn không phải xúc cảnh, không sinh tâm mà là sáu căn vẫn tiếp xúc sáu trần, nhưng giữ cho “tâm không loạn”. Tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn, không bị nó chi phối, mắt thấy sắc mà không bị sắc lôi kéo, tai nghe thanh mà không bị thanh dẫn dắt… Cho nên “Ra vào không giao tiếp nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ”. “Ngừng nghỉ” ở đây là tâm không chạy theo cảnh. Ta thấy quan điểm này cũng đồng với tư tưởng “Đối cảnh vô tâm”, “Trần tục mà nên” của Trúc Lâm. Vì “Đối cảnh vô tâm” nên tự tại làm hết thảy mọi việc mà không bị những gian lao của danh dự và lợi dưỡng chi phối, và làm mà không thấy mình làm, tu mà không thấy mình tu, đó mới thực là làm, là tu. Đúng như Pháp Loa nói: “Người tu thiền không được chấp vào dụng công. Dụng công mà không thấy có dụng công gọi là Thiền thượng thừa…”[11]

Trúc Lâm trao lại cho Pháp Loa 100 hộp kinh sử ngoại điển và 20 hộp Đại tạng nội điển, đó là Trúc Lâm trao cho Pháp Loa cái nhìn rộng mở của “Bất nhị” của “Vô phân biệt”. Ở vị trí của một nhà lãnh đạo Giáo hội chớ chỉ biết nội điển hay một pháp môn thuần túy mà cần thông suốt các hệ tư tưởng khác để có thể tiếp nhận, học hỏi cái hay và dung hòa được tất cả. Pháp Loa đã lĩnh hội điều đó, để rồi cuộc đời của Ngài là một cuộc đời hoạt động không biết mỏi mệt để tiếp tục xây dựng và phát triển Giáo hội Trúc Lâm – nền Phật giáo thống nhất, bao dung, hài hòa với các hệ tư tưởng khác cũng như tín ngưỡng bản địa, ôm trọn vào mình thành một dòng chảy chung mang tên văn hóa Đại Việt với dòng chủ lưu là văn hóa Phật giáo.

Kết luận

Pháp Loa nhấn mạnh về “Tính không” của Bát Nhã để nhắc nhở những người tu Phật có thể trong Giáo hội Trúc Lâm, cũng có thể ngoài Giáo hội Trúc Lâm, không được quản lý và hướng dẫn chặt chẽ, không hiểu rõ lẽ “Không” để xảy ra nhiều tệ lậu khiến cho Pháp Loa phải thốt lên rằng: “Nay các ngươi đã vào trong chùa, làm người con Phật, mà lại chạy theo thói phù hoa để cầu danh tiếng, không chịu tham cứu chỗ ấy.[12] Nói “Tự tính Bát Nhã” để nhắc nhở người tu chớ có ảo vọng mà tìm cầu bên ngoài, dựa dẫm vào các điều kiện đủ đầy, chu cấp lợi dưỡng của thế tục cho là sung sướng, an nhàn, giải thoát; phải trở về với trí tuệ sáng suốt nơi tự tính của mình mà tu tập: “Luống để cho tháng lại ngày qua, lăng xăng tìm cầu bên ngoài, một phen cái chết đến thì phải làm sao? Nơi nào là chỗ an thân lập mệnh?”[13] Nói “Bất nhị” để nhắc người tu Phật đừng để chưa có cái gì “chấp trì” mà đã đòi “phá chấp” như các bậc Thượng sĩ, để rồi “ba nghìn oai nghi, tám vạn tế hạnh, phần của mình không được mảy may nào… Chớ lấy việc trong mộng cho là lời nói thật, rồi bác bỏ nhân quả, hoang mang mờ mịt, chuốc lấy tai ương!”[14] Nhưng ta cũng biết chắc chắn rằng, Pháp Loa không chỉ nói “Không, “Vô Phân biệt, “Bất nhị” “Tự tính Bát Nhã”… để nhắc nhở những người tu đạo, mà hơn hết, nó là triết lý tư tưởng đã thấm sâu vào cuộc đời hành động của Ngài cũng như của các nhà lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm. Vì “Không” cho nên “Vô trụ”, “Vô trước”, “Vô phân biệt”. Một vị Bồ Tát đích thực làm hạnh phúc cho nhân sinh bằng tất cả khả năng của mình, với tất cả những việc làm có thể với sự dẫn dắt của trí tuệ Bát Nhã, trên tinh thần “Tùy tục”, “Tùy duyên”. Cho nên ta mới thấy một Pháp Loa thông tuệ đã thiết lập nhiều trường, lớp, mở nhiều pháp hội giảng kinh, thuyết pháp cho Tăng Ni đạo tục; biên soạn điển tịch với nhiều thể loại từ lịch sử Phật giáo, cho đến kinh điển thiền, giáo, mật, giới luật, nghi lễ ứng phó đạo tràng; xây chùa, tô tượng, độ tăng nhiều không kể; nhưng vẫn hành các nghi lễ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp trong xã hội từ vua quan cho đến dân chúng như cầu an, cầu siêu, cầu mưa, cầu tạnh; Nho cũng học, Đạo cũng tường, thiền liễu ngộ, kinh giáo thông suốt, đà la ni cũng trì; Chẳng ngại gì thân cận vua quan, dạy bảo đệ tử tứ chúng, đến đi tự do, thõng tay vào chợ. Đó không gì hơn, thực là tinh thần và trí tuệ của Bát Nhã./.

Thích Nữ Mai Anh


(Bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa: sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, kỉ niệm 690 năm đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”, Đông Triều, tháng 12/2020)

[1] Tam Tổ Thực Lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, trang 38.

[2] Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, quyển hạ, Tuệ Sỹ và Trúc Thiên dịch, NXB TP. HCM, 2001, trang 56.

[3] Thiền phàm phu, Thiền ngoại đạo, Thiền Tiểu thừa, Thiền Đại thừa, Thiền Thượng thừa. (Tam Tổ Thực lục, sđd, trang 69)

[4] 《六祖大師法寶壇經》卷1:「『何期自性,本自清淨;何期自性,本不生滅;何期自性,本自具足;何期自性,本無動搖;何期自性,能生萬法。』」(CBETA, T48, no. 2008, p. 349, a19-21)

[5] 本性玄凝真心湛寂,成虧俱絕,非性智能究於端倪。合散盡遺,豈耳目可参于影響。有無捏就,道俗剪夷,卓爾獨存,超然無外。此剛自性之川也。(Thơ văn Lý Trần, tập II, trang 31)

[6] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn (dịch và chú), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, trang 63.

[7] 夫學佛之流,先須見性。見性者,非謂有可見之謂見。乃見無可見處而見之。故見見非見則真性現。性見無生則生見非有。非有性實而實見不遷。故名眞實見性者。(Tam Tổ Thực Lục, tờ 39b, 40a)

[8] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 67, 68.

[9] 《摩訶般若波羅蜜經》卷24〈善達品 79〉:「所謂此色、此受想行識一切和合法皆是假名,以名取諸法,是故為名『諸眾生!是名但有空名,虛妄憶想分別中生,汝等莫著虛妄憶想。此事本末皆無,自性空故,智者所不著。』」(CBETA, T08, no. 223, p. 398)

[10] Tam Tổ Thực Lục, sđd,trang 67.

[11] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 68.

[12] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 69. “Chỗ ấy” ở đây chỉ pháp môn Thiền Thượng thừa.

[13] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 69.

[14] Tam Tổ Thực Lục, sđd, trang 70.