Thay đổi tư duy từ những điều bình dị


TLYT - "Vì hành động sẽ dẫn đến thói quen, từ thói quen sẽ dẫn đến tính cách, từ tính cách sẽ dần trở thành tập nghiệp và tập nghiệp thì sẽ theo ta suốt cuộc đời."
 
 
Ảnh: FB Giác Minh Luật 

Khi sinh ra không ai giống ai từ hình thể đến tính cách nên mới được coi là những cá thể riêng biệt, đều có quyền thừa hưởng sự tôn trọng nhất định từ bất kỳ ai. Nó được hình thành nhiều từ văn hóa và thói quen của mỗi người, mỗi quốc gia mà tôi được biết:

- Trước khi muốn vào phòng người khác bạn phải gõ cửa lên tiếng xin phép, đây cũng là lý do mà khi tôi có dịp đi đến nhiều nơi ở Mỹ thì trong phòng ngủ của một vài nơi không có chốt khóa cửa, hỏi ra mới biết thì bất kỳ ai muốn vào phòng đều phải gõ cửa xin phép như một luật lệ dù là cha mẹ hay thân thiết đến mức nào, vì sự riêng tư của mỗi cá nhân đều đáng được tôn trọng mà không ngoại trừ thân thuộc hay huyết thống.

- Thư riêng và tài liệu cá nhân không phải của mình thì tuyệt đối không được mở ra xem hay lén đọc, vì đây được coi là vi phạm và có thể bị đưa ra tòa nếu người khác thưa kiện, còn việc đánh cắp thư riêng thì đây được coi là tội hình sự và có thể ngồi tù. (Ở Mỹ).

- Điện thoại, tin nhắn, tài khoản xã hội của người khác dẫu là người yêu thì cũng không nên tự ý vào xem hay quản lý, vì nếu là tình yêu mà có sự dè chừng, kiểm soát, thiếu niềm tin thì cũng chỉ là tình yêu của hai người chưa thật sự trưởng thành.

 
Ảnh: Nguồn Internet 

- Không nên gọi điện cho người khác trước 07 giờ sáng, và sau 10 giờ tối nếu không phải là việc khẩn cấp và thật sự cần thiết; vì mỗi người đều có cuộc sống riêng, gia đình riêng để chăm sóc, ngủ nghỉ sau một ngày làm việc mệt mỏi, dù bạn là ai đi nữa, thì họ cũng sẽ là họ, ai cũng cần được yên.

- Đừng nên chê người khác mập hay quá già, vì điều mà ta không thích nghe thì họ cũng vậy, đôi lúc những câu nói vô tình khi gặp mặt sẽ làm tổn thương đến người khác một cách âm thầm và râm rỉ, nhất là phụ nữ thì thường chỉ thích chê ốm hoặc là không đề cập, đây được gọi là tâm lý học thực hành.

- Đừng nên so sánh bất kỳ ai dù đó là người thân của mình: con, đệ tử, người yêu hay bạn bè. Vì ai trên đời này không ai giống ai cả nên việc so sánh ta với bất kỳ ai thì được coi là mất lịch sự, thiếu tế nhị. Việc bạn chê một cô ca sĩ không nấu ăn ngon, thì cũng chẳng khác gì bạn chê người đầu bếp hát dỡ thiếu chất giọng. Nên không ai là biếng nhác, hay thua kém ai cả - vấn đề là chưa đúng cơ hội, chuyên môn và môi trường để thể hiện mà thôi! – Hồi xưa, có một người thầy có học vị cao luôn miệng so sánh tôi với người khác là không được như thế này hay thế nọ, khi ấy tôi luôn giữ sự im lặng để lắng nghe mà khi đó tôi thừa biết là mình cũng có thể mang một người khác giỏi hơn để so sánh lại với vị thầy đó, nhưng cũng từ đó tôi giữ luôn cái quyền im lặng của mình cho tới giờ và không liên hệ nữa.

Nhưng…

- Ở chung phòng với ai thì đòi hỏi bạn phải hết sức gọn gàng, đơn giản và ngăn nắp như: Mền ngủ dậy phải xếp, tô chén ăn rồi phải rửa liền... Vì dẫu biết lãnh thổ đó là của riêng bạn nhưng khi có người ở chung hay có khách lạ đến chơi thì sợ họ sẽ lầm tưởng đây là cái shop thời trang bán đồ online và kết quả là bạn sẽ phải đối diện với vô vàn phê bình và gạch đá.

- Nói chuyện điện thoại thì cũng cần biết tiết chế âm lượng lớn nhỏ theo từng nhịp điệu, mức độ sân hận hay từng trường hợp, hoàn cảnh… bằng không chính cái riêng tư của bạn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tư riêng của người khác, như việc ngồi trên xe khách mà nói như đang ngồi trong phòng bầu dục của tổng thống hay vào chốn thiền môn thanh tịnh mà như ngồi trong phòng phát thanh Radio FM toàn quốc thì kỳ lắm ạ.

- Khi có khổ đau, buồn chán hay thất bại cá nhân thì cũng nên nén lại vào trong một chút khi đi ra đường mà nhất là đến những nơi công cộng đám đông có thư mời như: Lễ tốt nghiệp, sinh nhật, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng. Vì sự buồn chán trên khuôn mặt của bạn sẽ có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến cuộc vui của nhiều người chung quanh, dù đó là chuyện cá nhân mà nay đã trở thành đề tài để mang ra bàn tán, giãi bày và tâm sự như bạn là nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích một ngàn lẻ một đêm.

Vì vậy, tôn trọng quyền riêng tư của người khác và biết tiết chế với những điều riêng tư của mình đúng lúc là hai việc làm hết sức quan trọng đòi hỏi ở sự lưu tâm và hướng tư duy nghiêm túc mà đôi khi tưởng chừng như đơn giản, không quan trọng, nhưng nếu ta không để tâm và tập cho có cái nhìn sâu sắc thì rất dễ dẫn đến muôn vàn hậu quả khó lường, phiền lụy, mà cái quả hiện tiền là hình ảnh của mình sẽ bị mất dần đi trong mắt người khác.

Vì hành động sẽ dẫn đến thói quen, từ thói quen sẽ dẫn đến tính cách, từ tính cách sẽ dần trở thành tập nghiệp và tập nghiệp thì sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Nên trong đạo Phật gọi đây là cái nhìn dung thông có tỉnh thức, có để tâm – là vậy.

Giác Minh Luật